Chủ nhật, 24/11/2024, 22:16[GMT+7]

Giá vật liệu tăng, công trình đội vốn

Thứ 5, 31/03/2022 | 08:45:08
12,028 lượt xem
Giá các loại vật liệu xây dựng như cát, xi măng, sắt, thép... đồng loạt tăng đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, gây áp lực rất lớn cho nhà thầu. Tình trạng chung của các nhà thầu hiện nay là phải gồng mình thi công, nếu mức giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục không “hạ nhiệt” thì càng làm càng lỗ.

Các nhà thầu thêm áp lực vì định mức đơn giá cũ trong hồ sơ mời thầu đều thấp hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên thị trường Thái Bình hiện nay, mặt hàng thép các loại có giá từ 19,5 - 20,5 triệu đồng/tấn, xi măng từ 1,4 - 1,7 triệu đồng/tấn; cát đen từ 135.000 - 185.000 đồng/khối... Với mức giá này, sắt, thép tăng khoảng 3 triệu đồng/tấn, xi măng tăng 250.000 đồng/tấn, cát tăng khoảng 50.000 đồng/khối so với thời điểm đầu năm 2022.

Dự án tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh được khởi công từ cuối tháng 2/2021 với tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Nhà đầu tư của dự án là liên danh Tổng công ty xây dựng số 1- CTCP, Công ty Cổ phần Lam Sơn Thái Bình, Công ty Cổ phần Damsan, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành và Doanh nghiệp dự án Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình cầu Nghìn.

Ngay sau khi dự án được triển khai, liên danh nhà thầu đã tập trung nhân lực, máy móc để thi công. Đến nay đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp với tổng kinh phí gần 199 tỷ đồng và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư 19,6/21,3km. Giá trị thực hiện dự án khoảng trên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án đang gặp rất nhiều khó khăn vì bị đội vốn lớn do giá vật liệu tăng cao. 

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Damsan, đại diện liên danh các nhà đầu tư dự án cho biết: Tính từ thời điểm lập dự toán (năm 2017) đến nay thực tế thị trường cát tăng từ 90.000 đồng/m3 lên trên 160.000 đồng/m3; base tăng từ 145.000 đồng/m3 lên 190.000 đồng/m3; thép tăng từ 11.500 đồng/kg lên khoảng 20.000 đồng/kg; nhiên liệu xăng, dầu tăng gấp 2 lần. Giá vật liệu tăng đột biến so với hồ sơ dự án được phê duyệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai và hoàn thành dự án. 

Dự đoán tình hình biến động giá tăng cao, thời gian qua chủ đầu tư dự án đã đôn đốc đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ dự án. Đồng thời do tập trung nguồn lực, chủ động đặt hàng trước các nguồn vật liệu nên đã tiết kiệm được chi phí. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tạo điều kiện, hỗ trợ về chủ trương, chính sách; đặc biệt là các ngân hàng hỗ trợ vốn cho nhà thầu.

Không chỉ dự án tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, tại tuyến đường bộ ven biển, chủ đầu tư dự án cũng đang đứng ngồi không yên vì giá xăng dầu, vật liệu leo thang. Ông Đào Hải Linh, Giám đốc doanh nghiệp dự án, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh cho biết: Thời điểm lập dự toán đầu năm 2020, các loại vật tư chính của dự án đang ở mặt bằng giá thấp (giá thép xây dựng khoảng 12.000 đồng/kg; giá cát đen khoảng 85.000 đồng/m3; giá dầu diezen khoảng 12.500 đồng/lít). Tuy nhiên, với mức giá hiện nay khiến chi phí công trình đang bị đẩy lên khoảng 20%.

Theo đại diện các doanh nghiệp xây dựng, thực tế tại phần lớn các dự án, các định mức đơn giá cũ trong hồ sơ mời thầu đều thấp hơn nhiều so với giá cả thị trường hiện nay. Bởi vậy, thời điểm này càng nhiều công trình đang thi công, nhà thầu càng thêm áp lực. 

Ông Bùi Đức Anh, Công ty Cổ phần Xây dựng 89, chỉ huy công trường nhà lớp học 3 tầng 18 phòng Trường THPT Bắc Đông Quan cho hay: Hiện công ty chúng tôi đang tiến hành xây dựng một số hạng mục công trình tại huyện Đông Hưng và Tiền Hải, việc giá xi măng, sắt thép tăng ở mức cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Với những công trình nhận thầu ở giai đoạn trước tháng 1/2022, công ty phải chịu thiệt để bù lỗ. Nếu thời gian tới, giá vật liệu không có chiều hướng giảm thì rất nan giải.

Theo ông Đỗ Năng Hoạt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, giá vật liệu xây dựng tăng tác động đến cả công trình đang thi công lẫn công trình đang lập dự toán. Với công trình hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, giá vật liệu tăng sẽ bị đội vốn vì nhà nước phải bù giá cho nhà thầu. Còn với hợp đồng trọn gói, nhà thầu phải chịu thiệt hại, khó khăn khi giá vật liệu có biến động, do đó nhiều công trình dễ rơi vào tình trạng chững tiến độ.

Đối với những công trình đã có quyết định đầu tư, đang triển khai thủ tục hồ sơ, giá vật liệu tăng sẽ làm tăng dự toán. Ngoài ra, một số dự án nếu chi phí tăng vượt quá mức kinh phí dự phòng sẽ bị vượt tổng mức đầu tư, phải mất thời gian thực hiện các thủ tục điều chỉnh giá, do đó cũng sẽ làm chậm tiến độ dự án.

Hiện nay, các nhà thầu đều mong muốn các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh lại giá vật liệu xây dựng cho sát thực tế thị trường, đồng thời có phương án hỗ trợ trượt giá hợp lý để các nhà thầu giảm bớt thiệt hại. Về lâu dài, cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp để kiểm soát, bình ổn giá vật liệu xây dựng và có chính sách riêng trong việc điều chỉnh hợp đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Dũng, Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết, với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Sở Xây dựng và Sở Tài chính thường xuyên theo dõi và điều chỉnh kịp thời tại các công bố giá vật liệu xây dựng, đây là một trong những giải pháp hiệu quả nhất.

Theo quy định, có thể công bố giá theo từng tháng hoặc từng quý, tuy nhiên để kịp thời cập nhật sát giá thị trường nhất, Sở đã lựa chọn công bố giá theo từng tháng, do đó cơ bản đáp ứng yêu cầu về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hợp đồng xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến chi phí công trình tuyến đường bộ ven biển dự báo sẽ tăng cao.


Nguyễn Thơi