Chủ nhật, 19/05/2024, 15:41[GMT+7]

Nỗ lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018

Thứ 6, 01/04/2022 | 08:47:36
3,037 lượt xem
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt sách giáo khoa (SGK) lớp 3, lớp 7 và lớp 10 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 áp dụng trong các cơ sở GDPT từ năm học 2022 - 2023. Đây là năm học thứ ba ngành giáo dục và đào tạo triển khai chương trình mới. Trước những khó khăn chung hiện nay, ngành giáo dục đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện chương trình GDPT 2018 trong năm học tới.

Giáo viên Trường Tiểu học Vũ Hội (Vũ Thư) tham gia tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 3 năm học 2022 - 2023.

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc dạy học chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 đang thực hiện trên địa bàn tỉnh diễn ra khá thuận lợi. Tất cả giáo viên đều đã được bồi dưỡng kỹ lưỡng về chương trình, SGK mới. Sở Giáo dục và Đào tạo đã cụ thể hóa các hướng dẫn chuyên môn để phù hợp với điều kiện của địa phương và chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Với cách làm trên, các nhà trường đã được chủ động, linh hoạt và thuận lợi trong xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học từng môn học phù hợp với các giai đoạn phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hiện nay ngành giáo dục cũng gặp không ít khó khăn về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất trường học khi thực hiện chương trình GDPT trong năm học tới. 

Theo đó, chưa cụ thể định biên giáo viên các môn Mĩ thuật, Âm nhạc lớp 10; thiếu nguồn tuyển giáo viên tiểu học do thay đổi trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, nhất là giáo viên môn Tin học. Chưa có văn bản quy phạm pháp luật về vị trí việc làm, cơ cấu giáo viên, số lượng người làm việc, định mức lao động tại các cơ sở GDPT theo chương trình GDPT 2018. Về cơ sở vật chất, khối phòng học tập còn thiếu, chưa đáp ứng quy định. Bình quân phòng học bộ môn chưa đáp ứng theo chuẩn. Bên cạnh đó, số phòng bộ môn hiện có chưa đủ diện tích, thiết bị, thiết kế chưa đúng quy định. Khối phòng học hỗ trợ học tập, hành chính quản trị còn thiếu, không bảo đảm chất lượng. Trang thiết bị dạy học tuy được quan tâm đầu tư song chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình GDPT 2018. Cùng với đó, những khó khăn về quy mô trường, lớp ở một số địa phương cũng chưa phù hợp, khó khăn trong công tác tổ chức dạy học.

Để khắc phục những khó khăn trên, hiện ngành đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó bố trí biệt phái giáo viên THCS có trình độ đại học môn Âm nhạc, Mĩ thuật tham gia quy trình lựa chọn SGK và giảng dạy lớp 10 trong năm học tới. Đồng thời, đào tạo và bổ sung giáo viên dạy môn học mới, môn học tích hợp; ưu tiên biên chế giáo viên môn học mới, môn học tích hợp. Đặc biệt, ngành sẽ tập trung xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Về cơ sở vật chất, ngành sẽ lồng ghép, bố trí nguồn vốn đầu tư. Trước mắt, ưu tiên đầu tư các hạng mục như mở rộng diện tích, xây dựng phòng học, phòng bộ môn, các công trình phụ trợ; đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học một cách đồng bộ.

Cùng với những khó khăn về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, hiện nay tại nhiều trường tiểu học thuộc khu vực thành phố Thái Bình và một số thị trấn, tỷ lệ học sinh/lớp cao (trên 50 học sinh/lớp), khó khăn trong công tác tổ chức dạy học. Tại thành phố Thái Bình, trước thềm năm học 2021 - 2022, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, nhất là các trường tiểu học thực hiện tuyển sinh đúng tuyến, giao chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể cho từng lớp, từng trường, nhờ thế sĩ số học sinh/lớp tại một số trường như Trường Tiểu học Kỳ Bá, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong đã có phần giảm so với năm học trước. Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Dựa trên kết quả điều tra dân số và điều kiện dạy học của từng đơn vị, UBND thành phố đã giao 3.880 chỉ tiêu vào lớp 1 cho 19 trường tiểu học trên địa bàn với tổng số 79 lớp. Trong đó, 3 trường được giao chỉ tiêu cao nhất là: Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Trường Tiểu học Kỳ Bá và Trường Tiểu học Quang Trung (295 học sinh lớp 1/trường). Đây là những trường nằm trên địa bàn dân cư tăng nhanh do tốc độ đô thị hóa. 

Công tác tuyển sinh được chỉ đạo nghiêm túc theo quy định về thời gian tuyển sinh, hồ sơ tuyển sinh, độ tuổi và số học sinh theo kế hoạch. Một yêu cầu quan trọng là bảo đảm công khai, công bằng về chỉ tiêu tuyển sinh, tuyến tuyển sinh và trách nhiệm trong công tác tuyển sinh. Các trường chỉ được tiếp nhận học sinh khác tuyến nếu thiếu chỉ tiêu. Tuy nhiên, mặc dù đã khắc phục tình trạng tuyển sinh trái tuyến nhưng sĩ số học sinh/lớp tại nhiều trường vẫn cao. Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Trước thực trạng trên, ngành giáo dục đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án rà soát, sắp xếp mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, sớm hoàn thiện đề án xã hội hóa giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt để giảm tải sĩ số cho các trường công lập. Từ đó góp phần thực hiện tốt chương trình GDPT 2018.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức giới thiệu và hướng dẫn các cơ sở giáo dục đề xuất lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 năm học 2022 - 2023. Cùng với đó, nội dung giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7 và lớp 10 đang được triển khai theo đúng kế hoạch, Ban biên soạn đã cơ bản hoàn thiện dự thảo. Nhờ việc linh hoạt, chủ động thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022, công tác triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 bảo đảm đúng tiến độ và đạt chất lượng.


Đặng Anh