Thứ 3, 23/07/2024, 02:40[GMT+7]

Khuyến học, khuyến tài và việc bồi dưỡng, trọng dụng hiền tài thời nhà Lê

Thứ 2, 04/04/2022 | 08:29:53
12,627 lượt xem
Đại Việt dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông là thời kỳ hoàng kim, dân trí được mở mang, dân khí chấn hưng, thuần phong mỹ tục được nở rộ; “Ngủ đêm, mọi nhà không phải đóng cửa, hầu như không có trộm cắp”, dân gian có câu “Đời vua Thái Tổ, Thánh Tông/Lúa tốt đầy đồng, trâu chẳng thèm ăn”.

Trường thi - Nam Định. Ảnh tư liệu.

Vua Lê Thánh Tông thấm nhuần tư tưởng “Khuyến học thì đại thịnh”, “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”; ông là vị vua đầu tiên trong lịch sử ban “Chiếu khuyến học”, được đời sau ghi lại trong Giai văn tập ký với nhan đề là “Thánh Tông Thuần Hoàng đế khuyến học văn”. Ông khuyến khích việc mở trường dạy học cho con em trong cả nước, mọi người dân, những ai muốn trở thành người có ích cho đất nước đều có quyền đi học, không phân biệt trường tư hay trường công.

Nhà vua thường hay cải trang, vi hành khắp chốn để tìm hiểu cuộc sống của dân chúng và thị sát về đạo đức, năng lực của quan lại dưới quyền. Một lần, nhà vua vi hành đến Văn Miếu, lúc này trời đã về khuya, ông thấy một giám sinh trạc 50 tuổi đang chăm chú ngồi đọc sách và thỉnh thoảng húp một ngụm cháo loãng. Nhà vua đến gần hỏi: “Người húp cháo gì mà ngon thế?”. Người này trả lời: “Thưa bác, con húp cháo hoa, nhà con hết muối rồi”. Nhà vua rất cảm động ra về. Sáng hôm sau, có người đem gói quà đến biếu giám sinh, khi mở ra, giám sinh vô cùng ngạc nhiên bởi món quà là một lọ muối vua ban và một nén bạc. Từ đó, câu chuyện nhà vua thương người nghèo ham học lan truyền khắp nước.

Bia tiến sĩ trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh tư liệu

Chính sách khuyến học, khuyến tài đã được vua Lê Thánh Tông kế thừa kinh nghiệm của các triều đại trước và đặt ra nhiều nghi thức khác nhau. Trong đó tập trung tôn vinh người đỗ đạt khiến người học lấy đó làm vinh dự, làm mục tiêu để phấn đấu nỗ lực, noi theo... Thời kỳ này, nhiều nghi thức khuyến học được coi trọng. Vua Lê Thánh Tông cũng là một tấm gương tiêu biểu cho việc tự học, đã có lần ông tự bạch: “Lòng vì thiên hạ lo âu/ Thay việc trời dám trễ đâu/ Trống rời canh còn đọc sách/ Chiêng xế bóng chửa thôi chầu...”.

Để thực sự chọn được hiền tài, vua Lê Thánh Tông đã quyết tâm loại bỏ tình trạng quan lại dốt nát mà hay kèn cựa, cậy công, cậy thế, tham lam ra khỏi bộ máy. Đây là công việc cực kỳ khó khăn, không thể hy vọng xoay chuyển trong ngày một ngày hai. Ông kiên định nguyên tắc: tất cả những ai muốn bước chân vào hoan lộ, dù là con cháu của quan đại thần, dù là người thừa hành ở cấp thấp nhất đều phải là người đã trúng tuyển ở các kỳ thi. Đồng thời, ông cũng quy định rất rõ, mọi người trong nước, không kể nguồn gốc xuất thân, đều được phép dự thi. Vua Lê Thánh Tông rất coi trọng hiền tài nên đã kiểm soát chặt chẽ đầu vào của đội ngũ quan lại, ngăn không cho những kẻ kém phẩm chất, đạo đức vào bộ máy trị vì đất nước.

Trong 38 năm trị vì đất nước, vua Lê Thánh Tông đã tổ chức 12 khoa thi, đào tạo được 501 vị tiến sĩ. Bài văn khắc trên bia đá của khoa thi đầu tiên năm 1442 được trích, dịch: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp…”, thường xuyên lưu truyền cho đến ngày nay đáng để chúng ta suy ngẫm, học tập.          

Cùng với việc thi tuyển, để không bỏ sót những người có tài, có đức ra gánh vác việc nước, vua Lê Thánh Tông còn đặt ra lệ tiến cử và bảo cử. Công việc này được làm thận trọng, trừng phạt nghiêm nên không ai dám tiến cử, bảo cử thiên tư, các chức quan đều xứng đáng, thu được hiệu quả là chọn được đúng người hiền tài cho đất nước.

Để khuyến khích nhân tài phấn đấu vươn lên, vua Lê Thánh Tông đặt ra lệ khảo thi. Lệ này như là một ngày hội nô nức đua tài, đua sức của các quan lại thời bấy giờ. Cứ ba năm một lần, không một quan chức nào được miễn trừ hoặc lẩn tránh. Khi khảo thi, các quan văn phải giải kinh nghĩa, làm thơ, phú, viết luận văn trả lời các đề thi về đạo trị đời, trị nước... của vua nêu ra. Các quan võ thi bắn cung, ném hỏa tiễn, đấu khiên, đua ngựa, đấu vật, đua thuyền, dàn quân, dàn trận. Người nào thi đỗ qua khảo thi thì được thưởng áo, tiền, được thăng chức, tước. Nếu không đỗ thì bị giáng cấp hoặc bãi chức. Vì vậy, các quan chức đều có ý thức không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, khả năng của mình trong công việc được giao.

Ngoài lệ khảo thi, nhà vua còn ban hành lệ khảo khóa để đánh giá đúng và phát huy thực tài của quan lại. Khảo khóa tương tự như cách chúng ta đang làm hiện nay, chính là công tác “đánh giá, nhận xét cán bộ”. Khảo khóa là cơ sở để xem xét trong các quan ai là người mẫn cán, thanh liêm, làm được nhiều việc ích nước, lợi dân và loại bỏ những kẻ lời nói không đi đôi với việc làm hoặc làm thì láo mà báo cáo thì hay. Việc khảo khóa được tiến hành qua lệ sơ khảo và thông khảo. Lệ sơ khảo cứ ba năm tổ chức một lần, sáu năm thì tái khảo và chín năm thì thông khảo. Sau mỗi kỳ sơ khảo, nếu ai được nhận xét là xứng chức thì tiếp tục được giữ chức; quan lại nào bị coi là không xứng chức thì lập tức bị bãi chức hoặc giáng chức. Kế đến là lệ tái khảo và thông khảo, tức là quan lại nào đã qua ba lần sơ khảo, đến năm thứ 12 thì được thông khảo rồi trình lên cấp có thẩm quyền để xem xét việc thăng, giáng. Nếu thời điểm này, quan lại nào được nhận xét là xứng đáng thì được phong chức, phong hàm thực thụ.

Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, từ những bài học dựng nước trong lịch sử, sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã phát động phong trào bình dân học vụ phát triển sôi nổi rộng khắp trên cả nước. Chính sách khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy tác dụng to lớn, nhanh chóng nâng cao dân trí, thu hút được tầng lớp trí thức tham gia phong trào cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mọi người đều phải “Học suốt đời, học không bao giờ cùng, càng tiến bộ càng phải học”, “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi, thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Để phân tích tại sao phải học tập suốt đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thời đại chúng ta bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại khoa học phát triển rất mạnh”, “Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới nay càng tiến bộ nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự tiến bộ vô cùng tận thì chúng ta phải nghiên cứu học tập…”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ thị, kết luận, quyết định, kế hoạch… về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Trường THCS Bách Thuận (Vũ Thư) luôn chú trọng công tác khuyến học, khuyến tài, khuyến khích thầy và trò thi đua dạy tốt, học tốt.

Mỗi chúng ta suy ngẫm về chuyện xưa để hướng tới chuyện hôm nay và tương lai cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Muốn được như vậy thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân đều phải “học mọi lúc, mọi nơi”, học mọi người, học mọi nội dung, mọi phương tiện, mọi hoàn cảnh, “học, hỏi, hiểu, hành”, “học để làm ngay”, học để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Mọi người dân phấn đấu là “công dân học tập” tạo tiền đề xây dựng “gia đình học tập”… trở thành một “xã hội học tập” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Vũ Mạnh Hiền
(Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình)