Thứ 7, 18/05/2024, 15:50[GMT+7]

Phẫu thuật tái tạo dạ dày mới từ ruột non cho bệnh nhân ung thư

Thứ 4, 06/04/2022 | 08:20:55
2,072 lượt xem
Mới đây, các bác sĩ Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày, đồng thời sử dụng máy nối tiêu hóa để tái tạo dạ dày mới bằng ruột non cho bệnh nhân P.Đ.V, 73 tuổi, quê ở huyện Thái Thụy bị ung thư.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Bệnh nhân P.Đ.V nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sút cân, ăn uống kém, nuốt khó, buồn nôn. Ngay sau khi kiểm tra, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ xác nhận bệnh nhân bị ung thư phần cao của dạ dày, khối u đã xâm lấn vào phúc mạc thành trên tụy.

Bác sĩ Nguyễn Phúc Kiên, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Ung thư dạ dày có nhiều phương pháp điều trị. Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Tuy nhiên, phẫu thuật là phương pháp cơ bản, đóng vai trò quyết định. Khoảng 3 năm gần đây, Trung tâm đã triển khai nhiều phẫu thuật lớn, trong đó có cắt ung thư toàn bộ dạ dày. Cắt ung thư toàn bộ dạ dày được chỉ định trong các trường hợp ung thư ở những phần cao của dạ dày hoặc những ung thư dạ dày ở thể thâm nhiễm đã lan ra toàn bộ dạ dày; ung thư dạ dày tái phát. Phẫu thuật ung thư dạ dày là phẫu thuật lớn của tiêu hóa. Cắt toàn bộ dạ dày là kỹ thuật khó, thường tuyến trung ương mới thực hiện được. Để thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ cao, giàu kinh nghiệm thực hiện trên hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại như dao hàn mạch, máy nối tiêu hóa... Tại Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công kỹ thuật này, giúp người bệnh có thể điều trị ngay tại tỉnh mà không phải chuyển lên tuyến trên, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí điều trị.

Với các trường hợp ung thư dạ dày sớm và tiến triển ở phần thấp dạ dày, thông thường các phẫu thuật viên sẽ cắt bán phần dạ dày và nạo vét hạch hệ thống. Tuy nhiên, với trường hợp ung thư ở phần cao của dạ dày như trường hợp của bệnh nhân P.Đ.V, phương pháp phẫu thuật đặt ra là cắt toàn bộ dạ dày và vét hạch. Nếu không phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân sẽ bị tắc lỗ tâm vị, không ăn uống được. Do đó, kíp mổ đã phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày kèm theo nạo vét hạch hệ thống, sử dụng máy nối tiêu hóa để tạo dạ dày mới bằng chính ruột non của người bệnh. Sau khoảng 4 - 5 giờ phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định và dần hồi phục. Từ 8 - 10 ngày bệnh nhân có thể khỏi, xuất viện.

Bệnh nhân P.Đ.V chia sẻ: Tôi bị ung thư, trước kia xạ trị đã thấy khỏe hơn. Song thời gian gần đây tôi ăn được rất ít và hay buồn nôn. Ngày chỉ ăn chút cháo, bụng trướng hơi. Người thân động viên đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi nhập viện, tôi được phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày. Đến nay tôi thấy sức khỏe đã ổn định hơn. Tôi rất cảm ơn các bác sĩ đã tận tình chăm sóc, điều trị trong những ngày ở bệnh viện.

Khi phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày, nhiều người đặt câu hỏi bệnh nhân sẽ ăn uống như thế nào, bác sĩ Nguyễn Phúc Kiên chia sẻ thêm: Sau khi cắt toàn bộ dạ dày, các bác sĩ sẽ đưa một quai ruột non để tạo hình. Đưa ruột non thay thế dạ dày sẽ không được như bình thường, có biến chứng nhẹ về tiêu hóa, song bệnh nhân vẫn có thể ăn uống, bảo đảm sức khỏe. Sau khi phẫu thuật, 6 - 7 ngày bệnh nhân sẽ ăn cháo loãng, súp, sữa để làm quen. 10 - 15 ngày sau có thể ăn cháo đặc dần lên. 2 - 3 tuần có thể ăn cơm, các bữa ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Những tháng đầu sau mổ bệnh nhân có thể sụt cân, có các hội chứng khó chịu như đau bụng, buồn nôn... nhưng các triệu chứng này có thể sẽ mất dần.

Bác sĩ Nguyễn Phúc Kiên khuyến cáo: Ung thư dạ dày là bệnh hay gặp ở người trên 50 tuổi. Ung thư dạ dày giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu rõ rệt. Khi ung thư tiến triển, người bệnh mới bắt đầu gặp các triệu chứng như sụt cân, đau bụng, buồn nôn, xuất huyết tiêu hóa, nổi hạch... Để bảo vệ sức khỏe, hạn chế tỷ lệ ung thư thư dạ dày, người dân cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, không ăn đồ ôi thiu, dưa chua nấm mốc, hạn chế uống rượu, bia và các chất kích thích. Bên cạnh đó, người dân thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, nội soi, tầm soát ung thư để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ, nhân viên y tế thực hiện ca phẫu thuật cắt dạ dày.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày