Thứ 3, 23/04/2024, 18:20[GMT+7]

Giá dầu mất mốc 100 USD/thùng

Thứ 6, 08/04/2022 | 09:37:08
900 lượt xem
Giá dầu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ quyết định bơm dầu từ kho dự trữ của Mỹ và các đối tác, cũng như nhu cầu sụt giảm do các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc.

Ảnh minh họa - Ảnh: istock.

Theo oilprice, thời điểm 6h20 ngày 8/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 giao dịch ở mức 96,75 USD/thùng, tăng 0,72 USD, tương đương 0,75%. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng 6 “đứng im” ở mức 100,6 USD/thùng.

Trước đó, phiên đêm qua (7/4) tiếp tục chứng kiến giá vàng đen hạ nhiệt tại thị trường Mỹ. Đáng chú ý, giá dầu Brent giao tháng 5 đã từng có thời điểm giảm sâu xuống dưới mức 100 USD/thùng, trước khi phục hồi nhẹ nhưng vẫn chốt phiên đi xuống 0,5%, giao dịch ở mức 100,58 USD/thùng. Dầu WTI cũng giảm nhẹ 0,6 %, xuống sát mức 96 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch ngày 7/4, giá dầu tiếp tục giảm làm gia tăng thêm "mức lao dốc" hàng tuần của mặt hàng này do không chắc chắn liệu khu vực đồng Euro sẽ có thể trừng phạt hiệu quả hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga hay không.

Thị trường tiếp tục chịu ảnh hưởng từ quyết định bơm dầu từ kho dự trữ của Mỹ và các đối tác, cũng như nhu cầu sụt giảm do các lệnh phong tỏa mới của Trung Quốc. Một ước tính gần đây cho thấy, có tới 22 triệu thùng dầu đang chờ cập cảng ngoài khơi nước này.

Phát biểu trong một cuộc họp của NATO, Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng các biện pháp mới của EU, bao gồm lệnh cấm đối với than của Nga, có thể được thông qua vào thứ Năm (7/4) hoặc thứ Sáu (8/4). Tiếp đó, khối sẽ thảo luận về cấm vận dầu của Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm than sẽ có hiệu lực hoàn toàn từ giữa tháng 8, chậm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu.

Ấn Độ vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga ở mức giá giảm, làm xua tan những dự đoán của các nhà phân tích về sự "vắng mặt" tới 2 - 3 triệu thùng dầu Nga/ngày trên thị trường toàn cầu kể từ tháng 4.

Tại Trung Quốc, các đợt bùng phát COVID-19 đã dẫn đến việc phong tỏa trên diện rộng ở Thượng Hải, thành phố đông dân nhất nước này với 26 triệu dân.

John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, nhận định tình hình nhu cầu ở Trung Quốc không thực sự tốt, đặc biệt là khi có quá nhiều nguồn cung mới trên thị trường.

Ngày 6/4, các nước thành viên IEA đã đồng ý giải phóng 60 triệu thùng từ kho dự trữ dầu chiến lược. Cùng với 180 triệu thùng mà Mỹ đã công bố vào tuần trước, thị trường thế giới sẽ được tiếp thêm tới 240 triệu thùng dầu trong những tháng tới để "hạ nhiệt" giá nhiên liệu.

"Dù đây là đợt giải phóng lớn nhất (180 triệu thùng dầu của Mỹ) kể từ khi kho dự trữ được tạo ra vào năm 1980, nhưng cuối cùng nó sẽ không thể thay đổi các nguyên tắc cơ bản trên thị trường dầu", ngân hàng ANZ đánh giá.

Ngân hàng này cho rằng, việc giải phóng dầu có thể sẽ làm trì hoãn việc tăng sản lượng từ các nhà sản xuất và có thể mang lại cho OPEC + thêm "khoảng thở trong bối cảnh kêu gọi tăng sản lượng hơn nữa".

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày