Thứ 7, 18/05/2024, 22:33[GMT+7]

Nông dân bán hàng online

Thứ 2, 25/04/2022 | 08:17:58
1,300 lượt xem
Do tác động của dịch Covid-19 nên thời gian qua việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”, nhiều hội viên nông dân đã tận dụng mạng xã hội như zalo, facebook, youtube... để giới thiệu, bán hàng không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm mà còn góp phần bổ sung cho thị trường một phần nông sản bị thiếu hụt do dịch bệnh phức tạp.

Anh Nguyễn Văn Bản duy trì sản xuất nhờ bán hàng online.

Gia đình anh Nguyễn Văn Bản, thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) hiện có 12 lồng nuôi cá trên sông Luộc. Nếu như trước kia đến vụ thu hoạch, gia đình anh xuất bán từ 50 - 60 tấn cá thương phẩm các loại và được thương lái từ các nơi đến tận nơi để thu mua, thì 2 năm trở lại đây do dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ sản phẩm bị giảm sút. Gia đình anh phải duy trì nuôi cầm chừng để tránh lỗ vốn. Đầu năm 2021, anh Bản làm quen với việc sử dụng mạng xã hội để rao bán cá đã giải quyết được đầu ra cho sản phẩm. 

Anh Bản cho biết: Từ khi bán hàng online tôi thấy đây là thị trường rất rộng lớn và có nhiều tiềm năng, cũng sẽ ít bị ép giá hơn so với việc bán hàng cho thương lái. Nhờ kinh doanh qua mạng đã giúp gia đình tôi có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm, việc nuôi thủy sản cũng dần hồi phục sau đại dịch. Thời gian tới, ngoài việc bán cá cho thương lái, tôi sẽ duy trì từ 3 - 4 lồng nuôi để kinh doanh online và dùng mạng xã hội để kết nối các hộ chăn nuôi lại với nhau, tạo thành tổ hợp tác trên mạng, chuyên chia sẻ kinh nghiệm và giúp nhau tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù dịch Covid-19 tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều nông dân cũng bị ảnh hưởng, nhưng đối với mô hình bán cây hoa, cây công trình qua mạng xã hội của chị Đoàn Thị Khuyên, thôn Vân Đài, xã Chí Hòa (Hưng Hà) lại ít bị tác động. 

Chị Khuyên cho biết: Thời gian qua, lượng khách mua cây trực tiếp có giảm nhưng nhờ tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua zalo, facebook cùng với quan tâm chăm sóc khách hàng, dịch vụ đi kèm tốt nên việc sản xuất, kinh doanh của gia đình vẫn ổn định. Tôi đã mở tài khoản giao dịch với hệ thống bưu điện, các ngân hàng để tiện cho việc thanh toán và vận chuyển hàng hóa. Nhờ vậy, 2 năm qua mô hình phát triển kinh tế của gia đình vẫn hiệu quả, đầu ra của sản phẩm không bị phụ thuộc quá nhiều vào thương lái đồng thời còn cắt giảm được nhiều công đoạn, nhân công bán hàng trực tiếp nên chi phí cũng tiết kiệm đáng kể. Hiện nay mô hình của gia đình tôi có hàng chục loại cây hoa, cây công trình các loại với tổng diện tích hơn 8ha, mỗi năm thu nhập 500 triệu đồng. 

Nếu như trước kia khách hàng phải tìm đến tận xã Thụy Thanh (Thái Thụy) để mua các sản phẩm từ trang trại của gia đình anh Nguyễn Duy Dự thì hiện nay chỉ với một tin nhắn, một cú click chuột là đã có thể nhận được hàng. Với những tài khoản mạng xã hội của mình, anh  Dự đã giới thiệu, quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức như đăng ảnh, bài viết, livestream, công khai giá bán các mặt hàng giúp người mua hàng có nhiều lựa chọn, với những mức giá cạnh tranh. 

Anh Dự cho biết: Mặt hàng nông sản của gia đình từ lâu đã được người dân từ các nơi biết đến bởi tính an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Phát huy lợi thế đó, hơn 3 năm qua tôi đã lập nhiều tài khoản facebook, zalo, youtube để bán hàng, đồng thời tạo sân chơi, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi với các hộ sản xuất, kinh doanh cùng mặt hàng. Mỗi năm mô hình của gia đình tôi thu về từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, trong đó có hơn 30% doanh thu từ bán hàng qua mạng. Thời gian tới, tôi tiếp tục duy trì hoạt động bán hàng trực tuyến; xin cấp phép của các cơ quan chức năng chứng nhận nông sản an toàn để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, vào những siêu thị lớn, phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng.

Khảo sát trên facebook hiện nay không khó để tìm được những hội nhóm, diễn đàn mua bán nông sản với hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn thành viên. Chỉ cần có nhu cầu, bất cứ một mặt hàng nông sản khách hàng cũng dễ dàng tìm mua. Không chỉ hàng nông sản thông thường, các mặt hàng đặc sản của các miền quê đã có mặt trên “chợ mạng”. Theo các chuyên gia đánh giá, mạng xã hội đang trở thành một thị trường lý tưởng, không chỉ là kênh tiêu thụ hiệu quả mà còn giúp quảng bá sản phẩm, đưa khoảng cách giữa người nông dân và khách hàng lại gần hơn, bỏ qua các khâu trung gian. Nông dân sẽ tránh được tình trạng bị thương lái ép giá, hay lo cảnh “được mùa mất giá”, “giải cứu” nông sản. Để giúp nông dân tiêu thụ nông sản, vừa qua Hội Nông dân tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh về việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Đây là giải pháp hữu ích giúp hội viên nông dân có thêm một kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở ra cơ hội mới cho phát triển nông nghiệp Thái Bình.


Tiến Đạt