Chủ nhật, 28/04/2024, 01:32[GMT+7]

Lính cựu tỏa sáng trên mặt trận mới

Thứ 3, 26/04/2022 | 08:27:22
4,638 lượt xem
Dù trong thời chiến hay giữa thời bình, các cựu chiến binh (CCB) huyện Hưng Hà luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, trở thành những tấm gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế, góp sức làm giàu cho quê hương.

Cựu chiến binh Trần Văn Vực, xã Thái Phương (Hưng Hà) kiểm tra hoạt động sản xuất của Công ty.

Cánh chim đầu đàn của ngành dệt may Hưng Hà

Sau 6 năm chiến đấu trên chiến trường biên giới, CCB Trần Văn Vực, xã Thái Phương trở về quê hương với chứng nhận bệnh binh hạng 2/3. Cuộc sống đời thường với nhiều thử thách, con cái còn nhỏ khiến ông luôn trăn trở phải làm gì để phát triển kinh tế gia đình. Xuất phát từ lòng yêu nghề, nhận thấy nghề dệt truyền thống của quê hương có thể phát triển ra thị trường trong nước và nước ngoài, năm 1990 ông thành lập một tổ hợp nhỏ với vài chục công nhân dệt khăn, sợi và găng tay phục vụ thị trường trong nước. Song vốn là người nhạy bén và có chí quyết tâm cao, ông Vực một mình sang Hàn Quốc để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Với tiêu chí đặt chất lượng lên hàng đầu, may mắn mỉm cười khi những công hàng đầu tiên xuất khẩu thuận lợi. Tạo dựng được uy tín trên thị trường, từ một tổ hợp nhỏ đến nay ông đã thành lập Công ty TNHH Toàn Thắng. CCB Trần Văn Vực bộc bạch: Với xu thế cạnh tranh của thị trường ngày càng gay gắt, “thương trường như chiến trường”, để có thể tồn tại và phát triển, tôi luôn tìm tòi, đổi mới mẫu mã và chất lượng sản phẩm, nỗ lực tìm tạo nguồn hàng và thị trường tiêu thụ. Hiện nay Công ty có trên 1.000 máy dệt hiện đại, hệ thống máy làm sợi OE đều từ công nghệ của nước ngoài nên 95% sản phẩm đều được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc..., doanh thu của Công ty năm sau cao hơn năm trước.

Trong “cơn bão” Covid-19, CCB Trần Văn Vực đã vững vàng chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt khó với những bước đi vững chắc để đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Mỗi năm Công ty xuất khẩu hàng trăm tấn sản phẩm, đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 500 lao động cùng hàng nghìn lao động vệ tinh. Chị Nguyễn Thị Tươi, công nhân Công ty TNHH Toàn Thắng cho biết: Ngoài việc tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, Công ty còn làm tốt công tác an sinh xã hội và chăm lo đầy đủ chế độ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Hiện mức lương đạt từ 7 - 10 triệu đồng, bảo đảm cuộc sống cho chúng tôi.

Giờ đây, dù sức khỏe đã giảm nhưng CCB Trần Văn Vực vẫn luôn giữ tác phong của người lính Cụ Hồ, cần cù, chịu khó, hăng say lao động. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội CCB huyện Hưng Hà chia sẻ: Bằng những nghĩa cử cao đẹp, việc làm thiết thực, CCB Trần Văn Vực xứng đáng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ bất khuất, kiên trung, không chỉ trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà còn tỏa sáng trong phát triển kinh tế và là cánh chim đầu đàn của ngành dệt may Hưng Hà. Đặc biệt, thời gian qua CCB Trần Văn Vực còn đóng góp trên 2 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và trao tặng hàng trăm phần quà cho các gia đình khó khăn trong huyện.

Xẻ gỗ thu bạc triệu

Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, CCB Nguyễn Văn Thiết, thôn Vế Đông, xã Canh Tân đã đầu tư kinh phí mua sắm máy móc, trang thiết bị để làm nghề xẻ gỗ làm giàu cho bản thân và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ông tâm sự: Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nghề mộc nên tôi luôn trăn trở trong phát triển kinh tế và giữ nghề của cha ông. Lúc đầu tôi chỉ mở một xưởng nhỏ với diện tích trên 100m2, không có điện tôi phải thuê máy phát điện, vất vả nhưng có hiệu quả nên tôi bắt đầu thuê đất để mở rộng xưởng trên 2.000m2 và đầu tư 2 máy xẻ lớn vào sản xuất. Hiện nay mỗi ngày xưởng cung ứng trên 10 khối gỗ xẻ cho các hộ sản xuất trong làng và ngoài xã, thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/năm.

Hiện cơ sở xẻ gỗ có 6 lao động địa phương với thu nhập bình quân luôn ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng, đa số họ đều gắn bó với cơ sở từ những ngày đầu đi vào hoạt động và coi đây như gia đình thứ hai của mình. Ông Đỗ Bá Chinh, thôn Vế Đông, xã Canh Tân chia sẻ: Tôi làm việc ở đây từ khi ông Thiết mới bắt đầu mở xưởng. Tôi rất khâm phục ý chí nghị lực của ông Thiết không quản ngại khó khăn để có thành quả như ngày hôm nay. Không chỉ tạo công việc ổn định cho chúng tôi, ông Thiết còn rất gần gũi và chia sẻ mọi khó khăn với công nhân.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiết (người bên phải), thôn Vế Đông, xã Canh Tân (Hưng Hà) luôn gần gũi với công nhân.

Dù làm chủ nhưng ông không ngại khó, ngại khổ, tích cực  tham gia vào các công việc nặng nhọc như khuân vác, lái xe nâng, cưa xẻ... Với ông, chủ động trong mọi công việc là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của người kinh doanh và đây cũng là cách để người làm chủ hiểu và đồng hành với người lao động của mình. Có lẽ vì thế mà xưởng của ông ngày càng nhiều người biết đến và trở thành một trong những xưởng xẻ gỗ lớn nhất của làng. Ông Trịnh Văn Lợi, Chủ tịch Hội CCB xã Canh Tân đánh giá: Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Nguyễn Văn Thiết còn là Bí thư Chi bộ thôn Vế Đông gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm, được dân tin, dân quý và là hội viên tích cực tham gia các hoạt động của hội và các phong trào của địa phương.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều CCB huyện Hưng Hà tiêu biểu mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, dù mỗi người có cách làm riêng nhưng ở họ đều có điểm chung là luôn phát huy được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tạo dựng sự nghiệp làm giàu cho quê hương.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày