Thứ 4, 03/07/2024, 12:33[GMT+7]

Hội Làm vườn tỉnh: Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Thứ 3, 10/05/2022 | 08:30:29
7,780 lượt xem
Thời gian qua, Hội Làm vườn tỉnh đã hướng các hoạt động về cơ sở, hỗ trợ hội viên vốn, cây con giống, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy phong trào VAC ngày càng phát triển.

Lãnh đạo Hội Làm vườn tỉnh thường xuyên kiểm tra hoạt động sản xuất của hội viên.

Mô hình của gia đình anh Lưu Đình Tú, thôn Ngọc Chi, xã Quỳnh Bảo, huyện Quỳnh Phụ rộng gần 1ha, trước đây trồng nhiều loại cây nhưng vì chất đất kém nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Làm vườn tỉnh tổ chức, anh Tú có thêm kinh nghiệm, kiến thức làm vườn, hiệu quả trồng trọt từ đó tăng lên đáng kể. Anh chia sẻ: Được tham gia tập huấn, tôi có thêm kinh nghiệm, hiểu thêm về cách trồng, chăm sóc mít thái, đầu tư mua 220 gốc về trồng và tham gia vào chương trình phối hợp giữa Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp Thái Bình với Hội Làm vườn tỉnh sử dụng phân bón phù hợp để bón cho mít. Đến nay, các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra tôi còn đào thêm rãnh lấy nước, tận dụng để nuôi ốc, trồng thêm chanh để bán, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu nhập của gia đình đạt 250 triệu đồng.

Cũng tại thôn Ngọc Chi, anh Nguyễn Duy Đằng tích tụ được gần 15.000m2 đất trồng cây đàn hương lấy gỗ, trồng thêm mít, hồng xiêm và hơn 1.000 gốc cà trắng, cà tím. Từ khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật làm vườn, anh Đằng đã tận dụng đất trống của gia đình trồng xen kẽ các loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh cho biết: Tôi trồng cây đàn hương, mít và làm giàn cho mướp leo để lấy bóng mát trồng cây cà trắng, cà tím. Nhờ được bón bằng nguồn phân chuồng ủ hoai mục nên cà phát triển tốt. Mỗi năm tôi xuất bán 2 vụ cà với gần 30 tấn cà, hơn 10 tấn hoa quả, xuất hơn 10 tấn cá truyền thống..., sau khi trừ chi phí thu về gần 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết: Không chỉ ở xã Quỳnh Bảo mà phong trào phát triển kinh tế VAC trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Toàn tỉnh hiện có trên 38.400 hội viên đóng góp quỹ hội 2,4 tỷ đồng phục vụ các hoạt động hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Nhiều địa phương đã quan tâm đến hoạt động làm vườn và tạo điều kiện giúp tổ chức hội có nguồn kinh phí hoạt động. Phong trào làm vườn tại một số địa phương như Bách Thuận, Việt Thuận (Vũ Thư), phường Hoàng Diệu, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình)... phát triển mạnh. 

Hội Làm vườn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phát triển kinh tế vườn, chú trọng tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn hội viên cách lựa chọn, trồng và chăm sóc các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao; phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các mô hình điểm phát triển kinh tế vườn để hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế sản xuất. Năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, Hội Làm vườn tỉnh đã tổ chức tập huấn về sản xuất nông nghiệp an toàn và kỹ thuật chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học cho trên 500 lượt cán bộ, hội viên; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, các doanh nghiệp... tổ chức hơn 140 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây ăn quả, bảo vệ môi trường trong sản xuất VAC, nuôi trồng thủy sản cho hơn 5.500 lượt hội viên; tổ chức 18 buổi tham quan mô hình với 386 cán bộ, hội viên tham gia. Hoạt động hỗ trợ hội viên tiếp tục được quan tâm với hơn 410.000 cây con giống các loại.

Để phong trào VAC ngày càng phát triển, thời gian tới, các cấp hội làm vườn trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao; liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung ứng phân bón, con giống, cây trồng bảo đảm chất lượng, giúp hội viên yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.


Tiến Đạt