Thứ 6, 10/05/2024, 02:54[GMT+7]

Phòng, chống sốt xuất huyết khi vào mùa bệnh

Thứ 4, 11/05/2022 | 08:37:48
901 lượt xem
Theo thông tin từ Bộ Y tế, 4 tháng đầu năm cả nước ghi nhận hơn 14.700 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 6 ca đã tử vong. Tại Thái Bình, hơn 4 tháng qua cũng ghi nhận 12 bệnh nhân nhập viện điều trị SXH. SXH dễ bùng phát và lây lan thành dịch nếu không được kiểm soát tốt. Do đó, cùng với các cấp, ngành, địa phương, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Ngành y tế tuyên truyền lưu động phòng, chống sốt xuất huyết.

Thống kê từ Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, số ca mắc SXH ghi nhận tại Thái Bình tính từ đầu năm đến nay là 12 ca, trong đó 3 ca nội sinh và 9 ca ngoại sinh. Các ca mắc SXH có địa chỉ tại các huyện: Vũ Thư, Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Đông Hưng và thành phố Thái Bình. Riêng 3 ca mắc SXH nội sinh ở Vũ Thư và Kiến Xương.

Bác sĩ Đặng Quang Huy, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm SXH dễ bùng phát và lây lan thành dịch. Nguyên nhân là do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho bọ gậy sinh trưởng và phát triển thành muỗi. Ở nước ta, 2 loài muỗi có thể truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Các triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ; nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam... Người dân cần chú ý các triệu chứng của SXH vì có một số triệu chứng rất dễ gây nhầm lẫn với Covid-19 như: sốt, đau mỏi cơ. SXH nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong.

Ngành y tế dự báo số ca mắc trong thời gian tới có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch. Để chủ động phòng, chống SXH, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống SXH. Tại Thái Bình, ngay từ đầu tháng 3/2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2022 với mục tiêu giảm 5 - 10% tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm thường gặp so với trung bình hàng năm giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, với bệnh SXH, mục tiêu cụ thể là tỷ lệ mắc dưới 20 người/100.000 dân và không có bệnh nhân tử vong.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền; tập huấn chuyên môn cho y tế cơ sở việc giám sát, phát hiện SXH; ra quân tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh mùa hè, trọng tâm dịch Covid-19 và SXH; tổ chức diệt bọ gậy, diệt muỗi, vệ sinh nhà cửa, môi trường; điều tra, giám sát dịch tễ, côn trùng, theo dõi chỉ số bọ gậy. Ở nơi xảy ra ổ dịch cần tuyên truyền, hướng dẫn xử lý môi trường. Cùng với các địa phương, Sở Y tế đã có văn bản về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị SXH gửi các cơ sở khám chữa bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thành phố, trong đó yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho người mắc SXH theo mô hình phù hợp; xây dựng, củng cố, duy trì nhóm điều trị SXH và số điện thoại đường dây nóng phòng, chống SXH; chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, dịch truyền, máu và chế phẩm của máu bảo đảm xử trí cấp cứu kịp thời người mắc SXH...

Hiện nay, SXH chưa có vắc-xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao. Dù số ca mắc SXH giảm so với cùng kỳ năm 2021 nhưng số ca tử vong lại tăng. Do đó, ngành y tế khuyến cáo, biện pháp phòng, chống SXH tốt nhất vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy, không có muỗi sẽ không có SXH. Cùng với các ngành, địa phương, đơn vị, mỗi gia đình, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom các dụng cụ phế thải có khả năng chứa nước, lật úp các dụng cụ không dùng đến, xử lý những nơi đọng nước, không để bọ gậy có điều kiện sinh sôi, phát triển thành muỗi, gây dịch SXH.

 Người dân huyện Kiến Xương vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.


Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày