Thứ 5, 09/05/2024, 06:30[GMT+7]

Thay đổi tư duy hướng nghiệp từ phân luồng học sinh sau THCS

Thứ 2, 23/05/2022 | 08:36:34
2,539 lượt xem
Phân luồng học sinh sau THCS đang được coi là giải pháp quan trọng giúp học sinh nâng cao hiểu biết về nghề nghiệp và chính bản thân các em đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề phù hợp. Để đạt hiệu quả, những năm qua, các trường THCS trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp theo đúng tinh thần phân luồng nhưng phải đáp ứng được nguyện vọng của học sinh và phụ huynh. Từ đó thay đổi tư duy hướng nghiệp, tránh việc “ép buộc” học sinh phải thi vào lớp 10 vì tâm lý bằng cấp.

Học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và THCS Thụy An tham quan khu thực hành của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thái Thụy.

Thực hiện đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025, những năm qua, Trường Tiểu học và THCS Thăng Long (Đông Hưng) luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, thay đổi tư duy chọn trường, chọn nghề cho học sinh và phụ huynh.

 Thầy giáo Trần Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường quy định hoạt động giáo dục hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc gắn liền với chương trình giáo dục và thực hiện giảng dạy đầy đủ nội dung với thời lượng quy định 1 tiết/tháng. Đặc biệt, nhà trường đã liên tục phối hợp tốt với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đông Hưng và các cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục chuyên nghiệp trong tỉnh thực hiện tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, lồng ghép các chủ đề hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông thông qua việc tổ chức cho các em tham quan các làng nghề và một số cơ sở sản xuất trên địa bàn. Nhờ đó giúp học sinh am hiểu về ngành nghề, nhu cầu lao động trong tỉnh và trong khu vực, giúp các em xác định hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS và lựa chọn nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm học 2011 - 2012 đến nay, 100% học sinh lớp 9 của trường được tư vấn hướng nghiệp. Số học sinh tốt nghiệp THCS học tại các trường THPT công lập và ngoài công lập đạt 83,35%. Số học sinh học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và học đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác đạt 16,65%.

Tại Trường Tiểu học và THCS Thụy An (Thái Thụy), từ nhiều năm nay nhà trường luôn thực hiện có hiệu quả việc phân luồng học sinh sau THCS gắn với công tác hướng nghiệp bằng nhiều hình thức như: tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; tư vấn chọn nghề, tuyển sinh; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; cung cấp thông tin thị trường lao động cho học sinh tiếp cận; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà trường trong huyện... Gần đây nhất, vào tháng 4 vừa qua, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thái Thụy tổ chức hoạt động trải nghiệm, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 của nhà trường. 

Thầy giáo Vũ Hữu Bạo, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học 2021 - 2022 nhà trường vẫn tiếp tục duy trì tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng đối với học sinh lớp 9, đổi mới hình thức tư vấn hướng nghiệp cho các em bằng hình thức hoạt động trải nghiệm. Việc kết hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh lớp 9 với các hoạt động thăm các phân xưởng, khu học tập, khu tập luyện, đặc biệt là tổ chức buổi sinh hoạt tư vấn nghề nghiệp giữa trung tâm với học sinh lớp 9 đã giúp các em có cái nhìn thiết thực về định hướng nghề nghiệp của bản thân sau tốt nghiệp THCS.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS những năm qua luôn được ngành chú trọng thực hiện. Các cơ sở giáo dục thường xuyên đã phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh thực hiện tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, lồng ghép các chủ đề hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh. Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận hoạt động phân luồng học sinh sau THCS vẫn còn nhiều hạn chế bởi tâm lý “chuộng” bằng cấp của không ít học sinh và phụ huynh khi năng lực bản thân không đáp ứng được môi trường giáo dục tại các trường THPT công lập. Để công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh tốt nghiệp sau THCS đạt hiệu quả cao, trước hết, công tác tư vấn tuyển sinh của các cơ sở đào tạo phải hướng đến sự chuyên nghiệp để giúp học sinh không chỉ biết mà còn hiểu rõ về ngành, nghề đào tạo. Đối với các trường học, cần thực hiện tốt giờ dạy giáo dục hướng nghiệp và tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh một cách đầy đủ về năng lực bản thân và nghề nghiệp gắn với nhu cầu xã hội. Đối với gia đình, các bậc cha mẹ cần cân nhắc sức học, năng lực, sở trường và nguyện vọng của con em mình để định hướng chọn trường, chọn nghề phù hợp với các em, tránh việc “ép buộc” học sinh phải thi vào lớp 10 vì tâm lý bằng cấp.

Đặng Anh