Thứ 7, 20/04/2024, 02:42[GMT+7]

Thương binh Lưu Xuân Nhuận làm kinh tế giỏi

Thứ 2, 23/05/2022 | 08:42:05
12,337 lượt xem
Mặc dù mang trong mình thương tật hạng 3/4 nhưng cựu chiến binh (CCB) Lưu Xuân Nhuận, thôn Tăng, xã Phú Châu (Đông Hưng) đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế và làm chủ Công ty Cổ phần Thương binh 27/7 chuyên kinh doanh máy nông nghiệp đạt lợi nhuận trên 2 tỷ đồng mỗi năm.

Cựu chiến binh Lưu Xuân Nhuận (người bên phải) trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm cho lao động mới vào làm.

Sau 4 năm trong quân ngũ, năm 1976 CCB Lưu Xuân Nhuận trở về địa phương học nghề cơ khí. Ông chia sẻ: Trước đây sản xuất nông nghiệp chủ yếu dùng sức người là chính, thiếu trang thiết bị nên người nông dân rất vất vả. Suy nghĩ làm nghề gì để kiếm sống và hỗ trợ bà con trong sản xuất, tôi đã mạnh dạn đầu tư toàn bộ vốn liếng tích góp được để mở xưởng sửa chữa và kinh doanh máy nông nghiệp. Được Hội CCB xã tín chấp với ngân hàng cho vay vốn, anh em trong gia đình giúp đỡ, tôi đã mở xưởng cơ khí với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng. 

Từ những đơn hàng sửa chữa máy nông nghiệp, tôi dần chuyển sang kinh doanh các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, sản xuất phát triển, người nông dân hiểu hơn lợi ích từ việc áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng nên doanh nghiệp ngày càng phát triển. Từ 1 - 2 lao động, đến nay tôi đã dạy nghề và tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân từ 7 - 15 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm chúng tôi xuất bán từ 60 - 70 máy nông nghiệp các loại, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt trên 2 tỷ đồng.

Với CCB Lưu Xuân Nhuận, việc dạy nghề, tạo việc làm cho con em CCB trong và ngoài xã không chỉ ở việc truyền dạy kinh nghiệm sửa chữa máy cơ khí mà còn là tâm huyết với nghề. Ông luôn tâm niệm, mình có sửa máy, bán máy tốt thì mới tạo dựng được niềm tin với khách hàng, đồng thời giúp nông dân yên tâm sản xuất. Ông chia sẻ thêm: Thị trường máy phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay rất nhiều, đa dạng về chủng loại như máy cấy, máy gặt, máy cuốn rơm, máy cắt cỏ..., muốn cơ sở phát triển mình phải giữ chữ tín thì mới tồn tại lâu được. Mặc dù là nghề phi nông nghiệp nhưng do tính chất gần gũi với sản xuất nông nghiệp nên tôi cũng tham gia với Hội Nông dân, Hội CCB mở các lớp tập huấn, dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp ngắn hạn cho hội viên, đến nay tôi đã dạy nghề cho hàng trăm hội viên nông dân, CCB trên địa bàn tỉnh.

Từ khi thành lập Công ty Cổ phần Thương binh 27/7, CCB Lưu Xuân Nhuận tất bật hơn với công việc. Do luôn coi trọng chất lượng, giữ chữ tín nên khách hàng tìm đến doanh nghiệp của ông sửa chữa và mua các loại máy ngày càng đông. Để phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp, ông cho nhập các thiết bị, phụ tùng như bánh lồng, lưỡi cày, nếu cần có thể tư vấn cho khách hàng lắp ngay. Tại xưởng sản xuất có nhiều thợ có tay nghề, giá cả hợp lý nên Công ty không chỉ là đơn vị kinh doanh, sửa chữa máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp uy tín trong huyện, trong tỉnh mà nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành phố khác cũng tìm đến ký hợp đồng hợp tác.

Là người tâm huyết với nghề nhưng cũng rất nhiệt tình, trách nhiệm với công tác hội, CCB Lưu Xuân Nhuận đã ủng hộ cả trăm triệu đồng cho công tác tình nghĩa, các hoạt động của địa phương. Ông tích cực trao quà ủng hộ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã; giúp đỡ hội viên nghèo xây dựng nhà; ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ tình nghĩa của CCB. Ông Nguyễn Thanh Sâm, Chủ tịch Hội CCB huyện Đông Hưng đánh giá: Trở về với đời thường, bằng bản lĩnh và ý chí kiên cường của người lính Cụ Hồ, CCB Lưu Xuân Nhuận đã phát triển kinh tế thành công. Nhiều năm liền CCB Lưu Xuân Nhuận được Hội CCB xã, huyện tặng giấy khen vì những đóng góp trong các phong trào của tổ chức hội.


Hồng Quân