Thứ 3, 07/05/2024, 15:24[GMT+7]

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Xây dựng đội ngũ cán bộ có ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển Thái Bình phồn vinh, hạnh phúc

Thứ 2, 30/05/2022 | 10:30:20
5,818 lượt xem
Đó chính là tên chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 - là sự cụ thể hóa của tỉnh Thái Bình nhằm thực hiện hiệu quả chuyên đề toàn khóa Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị, trên cơ sở tình hình thực tiễn của tỉnh. Lựa chọn chủ đề cán bộ còn thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bởi “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Chính đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có ý chí tự lực, tự cường, có khát vọng phát triển sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra “Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng”.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến toàn tỉnh nghiên cứu, quán triệt chuyên đề năm 2022, ngày 6/5/2022 tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Thành Tâm

Chuyên đề được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu biên soạn với 2 nội dung chính: tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước; vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để phát triển Thái Bình phồn vinh, hạnh phúc.

Ở phần thứ nhất, chuyên đề điểm lại những dấu son trong quá trình lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Chính quá trình khảo nghiệm thực tiễn cách mạng thế giới và tinh thần yêu nước đã hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Quan điểm về tự lực, tự cường của Người được thể hiện đậm nét ở các tư tưởng: (1) Độc lập tự chủ, không trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc vào bên ngoài; (2) Phát huy sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc; (3) Có phương pháp cách mạng đúng đắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng; (4) Không coi nhẹ ngoại lực và sự giúp đỡ, ủng hộ từ bên ngoài; (5) Tự lực, tự cường không chỉ trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước mà còn phải tự lực, tự cường trong bảo vệ, giữ vững nền độc lập dân tộc; phát huy tinh thần lao động sáng tạo, xây dựng, phát triển đất nước. Người khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Theo Người, để thực hiện hóa khát vọng đó thì phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; phải xây dựng được nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc; giữ vững quốc phòng, an ninh. Đây cũng chính là khát vọng xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng, đồng thời qua mỗi kỳ đại hội lại có sự cụ thể hóa để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng lòng chung sức thực hiện, hướng đến xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đặc biệt nhấn mạnh tại Đại hội XIII, việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã được Đảng ta kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới.

Phần thứ hai của chuyên đề nhấn mạnh những giải pháp để phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để phát triển Thái Bình phồn vinh, hạnh phúc.

Thông qua sự khái quát hóa quá trình hình thành và phát triển của đất và người Thái Bình, chuyên đề đã khẳng định người Thái Bình luôn mang trong mình ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng quê hương. Đó chính là tính cách của cư dân nơi cửa biển “đầu sóng ngọn gió”, mang khát vọng cháy bỏng về một cuộc sống no đủ nơi vùng đất mới; là ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống áp bức, cường quyền, giành độc lập dân tộc và bảo vệ quê hương; là sự nỗ lực học hỏi, vươn lên để làm giàu thêm truyền thống văn hóa, văn hiến, khoa bảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình không ngừng nêu cao tinh thần tự lực, từ cường, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ; đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng: từng bước phá được thế “ốc đảo”, phá vỡ thế thuần nông, xây dựng nền công nghiệp theo hướng hiện đại; đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân...

Từ phân tích những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức của đất nước, của tỉnh trong thời gian tới, chuyên đề nhấn mạnh “Để thực hiện được mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, ngoài tiềm lực về điều kiện tự nhiên, khoa học công nghệ... thì ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển của con người chính là sức mạnh tinh thần và điều kiện căn cốt, là nguồn lực nội sinh quý báu cần phải biết khơi dậy một cách mạnh mẽ”. Theo đó, những giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là: nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền; tiếp tục đổi mới công tác tổ chức xây dựng Đảng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên; xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển; xây dựng môi trường dân chủ, bảo đảm cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo phát triển; tăng cường mối quan hệ và niềm tin của nhân dân; không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

Chuyên đề cũng chỉ rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức “phải ý thức được rằng việc ra sức hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao là tạo tiền đề về vật chất kỹ thuật cho khát vọng hùng cường của đất nước vào giữa thế kỷ”; mỗi thầy cô giáo “phải hun đúc truyền thống quê hương cho học sinh, sinh viên, những người sẽ trở thành lực lượng chủ yếu hiện thực hóa khát vọng này”; mỗi đảng viên, đoàn viên, hội viên “cần làm lan tỏa khát vọng, tinh thần đó đến với mỗi người dân để tất cả cùng chung sức”.
Đặc biệt, đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị “cần thể hiện rõ trách nhiệm xây dựng, phát triển địa phương, đơn vị của mình là góp phần tích cực vào sự hùng cường của đất nước, để đề ra những chủ trương, định hướng đúng và truyền được cảm hứng cho mọi người nỗ lực vì mục tiêu cao cả đó”. Người đứng đầu phải là tấm gương tiêu biểu cho ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển; có khả năng lan tỏa, truyền cảm hứng hành động cho mọi người, cho nhân dân. Khi có ý chí, khát vọng đội ngũ cán bộ sẽ trăn trở để tìm giải pháp nhằm xây dựng và phát triển đơn vị, địa phương mình. Chuyên đề cũng chỉ rõ, để đạt được điều đó, đội ngũ cán bộ của tỉnh cần nhận thức sâu sắc về tiềm năng, lợi thế, vai trò của địa phương và cá nhân trong tiến trình phát triển của tỉnh, đồng thời gắn bó chặt chẽ, liên hệ mật thiết với nhân dân, “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”.

Việc tổ chức học tập, triển khai chuyên đề năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thống nhất nhận thức, hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh để cùng phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thái Bình phồn vinh, hạnh phúc. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, việc tổ chức học tập chuyên đề năm 2022 đang được cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc, gắn với việc thực hiện cam kết nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức hàng năm. Chỉ khi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân Thái Bình học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Trần Thị Loan
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)