Thứ 5, 21/11/2024, 23:24[GMT+7]

Hiệu quả mô hình “Mẹ đỡ đầu” ở thành phố Thái Bình

Thứ 2, 06/06/2022 | 08:49:03
4,659 lượt xem
Với ý nghĩa nhân văn cao cả, mô hình dân vận khéo “Mẹ đỡ đầu” của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thành phố Thái Bình đang tạo sự lan tỏa mạnh mẽ giúp nhiều học sinh nghèo, mồ côi có thêm điều kiện học tập, phát triển và trưởng thành, động viên các cháu vươn lên trong cuộc sống.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Thái Bình trao quà và tiền hỗ trợ hàng tháng cho cháu Nguyễn Thế Đàn, 10 tuổi, thôn Tiên Sơn, xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình.

Cùng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố đến trao tiền hỗ trợ hàng tháng cho cháu Bùi Tú Hạnh (9 tuổi), trú tại thôn Nguyễn Du, xã Vũ Đông ai cũng xót xa, thương cảm cho hoàn cảnh của cháu. 

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thoa, bà ngoại của cháu Hạnh: Mẹ của cháu bị lừa bán sang Trung Quốc năm 14 tuổi, đến năm 2009 trốn thoát được về Việt Nam, sau đó lấy chồng rồi sinh cháu Hạnh khi đang mang trong mình bệnh AIDS. Cháu Hạnh sinh ra may mắn không bị nhiễm HIV song phải chịu cảnh mồ côi mẹ khi mới 5 tuổi. Mẹ mất khi còn nhỏ nên Hạnh chưa ý thức hết được sự ra đi của mẹ, hàng ngày vẫn luôn miệng đòi mẹ khiến mọi người đều thấy đau lòng. Sau khi mẹ mất, cháu ở cùng ông bà ngoại. Ông bà tuổi đã cao, gia đình khó khăn nên khi nắm được hoàn cảnh đặc biệt của cháu, Hội LHPN thành phố đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho cháu đến hết lớp 5. Với số tiền hỗ trợ nhận được hàng tháng, ông bà dùng để trang trải chi phí học hành và nuôi cháu Hạnh khôn lớn.

Cũng giống như cháu Hạnh, nghịch cảnh cuộc sống đã khiến cháu Bùi Văn Tuấn (7 tuổi) ở tổ 1, phường Kỳ Bá thiếu đi tình thương của bố ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Cuộc sống của gia đình cháu vốn khó khăn nay càng khó khăn gấp bội khi tất cả gánh nặng “cơm áo” đồ dồn lên đôi vai của người mẹ. Tuy nhiên thu nhập từ công việc bán nước mía hàng ngày của người mẹ không đủ để trang trải chi phí học hành của 3 chị em Tuấn. 

Chị Bùi Thị Quỳnh, Chủ tịch Hội LHPN phường Kỳ Bá cho biết: Gia đình cháu Tuấn thuộc diện hộ nghèo của phường, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhằm chia sẻ khó khăn với gia đình, Hội LHPN phường đã nhận “đỡ đầu” cháu Tuấn. Từ nguồn xã hội hóa, mỗi tháng Hội LHPN phường hỗ trợ cho cháu 500.000 đồng đến khi hết lớp 5. 

Ngoài cháu Tuấn, hiện nay trên địa bàn phường còn có 3 cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được Hội LHPN phường nhận đỡ đầu. Hội không chỉ dừng ở việc hỗ trợ các em về mặt vật chất mà khi nhận đỡ đầu, chúng tôi cũng sẽ thường xuyên quan tâm đến các cháu, có mặt đúng lúc khi các cháu cần, thật sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho các cháu trong cuộc sống, tạo môi trường sống tốt nhất để các cháu được phát triển toàn diện, lành mạnh. Không chỉ trực tiếp nhận “đỡ đầu”, thời gian qua Hội LHPN phường còn tích cực vận động các nhà hảo tâm nhận “đỡ đầu” các cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường, hiện có 2 cháu mồ côi ở tổ 17 đang được nhận hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng trong 3 năm.

Theo chị Nguyễn Thị An, Chủ tịch Hội LHPN thành phố: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 59 cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được nhận “đỡ đầu”. Để mô hình “Mẹ đỡ đầu” lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực, sau khi nhận được chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch; tổ chức phát động sâu rộng trong các cấp hội; đồng thời đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo “Mẹ đỡ đầu” với Thành ủy và Hội LHPN tỉnh. Các cấp hội đã tiến hành rà soát, xác định các trường hợp trẻ em mồ côi khó khăn cần được giúp đỡ, sau đó tiến hành xác minh, xây dựng kế hoạch đỡ đầu, hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh. Đồng thời, các cấp hội cũng kết nối, kêu gọi các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị thiện nguyện, nhà hảo tâm, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ, chia sẻ yêu thương, giúp các em có môi trường phát triển phù hợp nhất. 

Việc hỗ trợ không chỉ thực hiện trong một thời điểm mà sẽ dựa theo những hoàn cảnh cụ thể để có những giải pháp hỗ trợ lâu dài. Phát huy tinh thần tiền phong gương mẫu, Hội LHPN thành phố đã nhận “đỡ đầu” 2 cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn tiền tiết kiệm hàng tháng. Ngoài ra, Hội LHPN thành phố còn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện mô hình trong các nhà trường. Hiện nay, các trường trên địa bàn thành phố đều nhận “đỡ đầu” từ 2 đến 4 cháu; hội LHPN các xã, phường hiện đang nhận “đỡ đầu” 15 cháu. Mỗi cháu được nhận “đỡ đầu” được hỗ trợ 300.000 - 500.000 đồng/tháng, ngoài ra một số cháu được nhà trường hỗ trợ thêm gạo hay sách vở học tập. Nhìn chung, các cháu được nhận “đỡ đầu” cùng gia đình rất phấn khởi. Số tiền tuy không lớn song cũng phần nào san sẻ khó khăn với các gia đình, động viên, hỗ trợ, giúp các cháu vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trong tình cảm, nỗ lực học tập, trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Theo đồng chí Chủ tịch Hội LHPN thành phố: Qua khảo sát, trên địa bàn thành phố có hơn 100 trẻ có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ. Thời gian tới, Hội LHPN thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp hội tích cực nhân rộng mô hình “Mẹ đỡ đầu” để ngày càng có thêm nhiều trẻ mồ côi khó khăn được hỗ trợ. Nỗi đau mất cha, mẹ, người thân đối với các cháu là quá lớn, không thể bù đắp được, tương lai các cháu phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Hơn lúc nào hết, các cháu rất cần sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để được hỗ trợ chăm sóc trong thời gian dài. Mô hình “Mẹ đỡ đầu” chính là điểm tựa vững chắc để các cháu vững bước trong hành trình đi tới tương lai.

Đào Quyên