Chủ nhật, 12/01/2025, 19:59[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về một số dự án công trình trọng điểm quốc gia

Thứ 2, 06/06/2022 | 16:55:11
8,648 lượt xem
Sáng 6/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia gồm 4 dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) và dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì buổi thảo luận.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi thảo luận tại tổ sáng 6/6.

Đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí sự cần thiết đầu tư các dự án này nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. 3 dự án cao tốc sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh. 2 dự án đường vành đai phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”.

Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây đường cao tốc ở phía Nam, điều mà các đại biểu Quốc hội quan tâm là giải pháp công nghệ như thế nào để bảo đảm được chất lượng. Cùng với đó, phải bảo đảm chọn nhà thầu có năng lực thi công, hạn chế thấp nhất lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Muốn làm được hai việc trên thì phải có đủ vốn để thực hiện. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình phương án, song các đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn về khả năng bố trí vốn thực hiện đồng thời 5 dự án trong khoảng thời gian ngắn từ nay đến năm 2025. Trong vòng 3 năm rưỡi tới đây, sẽ cần số vốn rất lớn, cần phải cân đối giữa ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, phương thức hợp tác công - tư. Bên cạnh những vấn đề trên, các đại biểu cũng băn khoăn về công tác đền bù, tái định cư, thu hồi đất để triển khai các dự án. 

Thực tế cho thấy, địa phương nào thực hiện quyết liệt, có sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân thì tiến độ triển khai dự án được nhanh; làm không tốt thì kéo dài nhiều năm, đội vốn. Hiện nay, một số địa phương đã có cam kết bố trí ngân sách địa phương để tham gia thực hiện các dự án này. Song với những địa phương có thu, điều tiết ngân sách về trung ương thì dễ, những địa phương không có nguồn thu, chưa tự cân đối được ngân sách thì cũng sẽ rất khó khăn. Một số ý kiến đề nghị các địa phương có dự án đi qua cần quan tâm tới công tác giải phóng mặt bằng, mặc dù hiện nay Quốc hội mới chỉ xem xét, quyết định về mặt chủ trương đối với việc đầu tư cho các dự án, nhưng cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng khả năng hoàn thành, tránh tình trạng đội vốn và cần đánh giá tác động môi trường của các dự án. Có ý kiến cho rằng đây là những dự án đặc biệt trong thời điểm đặc biệt, vì vậy nên có những cơ chế đặc thù trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như việc hình thành lập các nhóm công tác, “ứng chiến” nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các dự án.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Các ý kiến phát biểu đều thống nhất cho rằng, dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, là con đường lịch sử, cách mạng. Việc triển khai Nghị quyết số 66 đã nhận được sự đồng thuận của cử tri cũng như các cấp ủy đảng ở địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số mà các tuyến đường dự án đi qua, đặc biệt đã góp phần phát triển hạ tầng giao thông đường bộ kết nối các tỉnh Tây Bắc -Tây Nguyên và Tây Nam Bộ với khu vực cả nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn trật tự an ninh các nơi dự án đi qua nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực đặc biệt khó khăn. Các vị đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung cụ thể như: Kết quả triển khai thực hiện dự án; hạn chế trong quá trình thực hiện dự án và nguyên nhân; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tiếp theo và các nội dung về dự án cần thể hiện trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh)