Thứ 6, 17/05/2024, 16:34[GMT+7]

Chủ động tuyên truyền, giám sát bệnh đậu mùa khỉ

Thứ 3, 07/06/2022 | 08:56:41
1,219 lượt xem
Sau Covid-19, đậu mùa khỉ là một trong những bệnh nhận được sự quan tâm của nhiều người. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 26/5/2022, thế giới đã ghi nhận hơn 200 trường hợp mắc bệnh, hơn 100 trường hợp nghi ngờ, chưa có người bệnh tử vong tại hơn 20 quốc gia. Tại Việt Nam, dù chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ song để chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, ngành y tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai công tác tuyên truyền, giám sát bệnh.

Virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi.

Những ngày gần đây, 2 lần/ngày, hệ thống loa truyền thanh xã Hồng Tiến (Kiến Xương) lại tuyên truyền về bệnh đậu mùa khỉ, diễn biến tình hình bệnh trên thế giới, các triệu chứng cũng như cách phòng bệnh. Y sĩ Bùi Văn Quân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Tiến cho biết: Ngay sau khi nhận được văn bản của ngành y tế, Trạm Y tế xã đã viết bài tuyên truyền để phát trên hệ thống truyền thanh xã. Do đây là bệnh mới nổi nên nhiều người dân chưa biết rõ. Vì thế, công tác tuyên truyền được tăng cường hơn. Ngoài hệ thống truyền thanh, cán bộ y tế cũng tư vấn trực tiếp, lồng ghép tuyên truyền bệnh đậu mùa khỉ cùng một số bệnh như: sán dây, viêm gan cấp, tay chân miệng... khi người dân đến khám bệnh tại Trạm. Cán bộ Trạm khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh tay, hạn chế tiếp xúc đông người và khi ở nước ngoài về cần thông báo với y tế thôn để chủ động giám sát. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tổ chức triển khai tới y tế thôn để tăng cường công tác giám sát tại khu vực, địa bàn phụ trách. Nếu có trường hợp nghi mắc, Trạm sẽ thông báo tới Trung tâm Y tế huyện để phối hợp xử lý.

Cùng với xã Hồng Tiến, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Kiến Xương đã chủ động tuyên truyền về bệnh đậu mùa khỉ. Bà Bùi Thị Tho, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn huyện, Trung tâm Y tế huyện đã gửi văn bản tới các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND và trạm y tế 33 xã, thị trấn về việc tăng cường giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Trong nội dung văn bản ghi rõ định nghĩa về các trường hợp: có thể, nghi ngờ, trường hợp xác định và loại trừ mắc bệnh. Trung tâm đã yêu cầu các trạm y tế trong huyện cần nắm vững các triệu chứng, đường lây và cách phòng bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền về bệnh. Cụ thể về đường lây, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần, lây qua vết thương dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh diễn biến nặng ở trẻ em và phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 - 21 ngày. Bệnh có biểu hiện giống như bệnh đậu mùa thường tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và hạch to. Trong quá trình khám, điều trị tại trạm chú ý các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ...

Không chỉ Kiến Xương, ngay sau khi có công văn về việc tăng cường giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ của ngành y tế, các huyện, thành phố đã kịp thời chỉ đạo, trong đó yêu cầu các ngành, địa phương, cơ sở y tế trên địa bàn tập trung vào công tác tuyên truyền, giám sát, có các biện pháp kịp thời phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Ông Phạm Nam Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới. Do đó, việc giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh đậu mùa khỉ có vai trò quan trọng nhằm kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, ngoài công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống tạm thời, Sở Y tế đã đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý người nhập cảnh, chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ. Nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ đề nghị báo ngay về Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xét nghiệm.

Theo WHO: Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da.

Các biện pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ: tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa khỉ; tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường; che miệng khi ho, hắt hơi.

Các trường hợp có các triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục. Người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày