Chủ nhật, 28/04/2024, 12:52[GMT+7]

Những người đi “săn” bọ gậy, muỗi vằn

Thứ 4, 08/06/2022 | 09:00:38
4,081 lượt xem
Từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm dịch sốt xuất huyết (SXH) vào mùa. Vì thế, công việc của những người đi điều tra, giám sát dịch tễ cũng bận rộn hơn. Ngoài giám sát thường xuyên, điều tra tại nơi có ca mắc SXH, cán bộ dịch tễ còn trực tiếp làm mồi nhử để bắt muỗi. Có đi cùng, tận mắt chứng kiến công việc của họ mới thấy sự vất vả nhưng cũng đầy thú vị.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát chỉ số bọ gậy tại huyện Kiến Xương.

Vào những nơi ẩm thấp, cây cối um tùm để bắt muỗi, tìm các dụng cụ chứa nước đọng lâu ngày bắt bọ gậy, điều tra ổ nguồn... là công việc quen thuộc của anh Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, ký sinh trùng, côn trùng cùng các đồng nghiệp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. 

Anh Hoàng chia sẻ: Đặc thù của người đi bắt bọ gậy, muỗi, điều tra SXH là phải đi vào sáng sớm hoặc khoảng 17 - 18 giờ bởi theo nghiên cứu, đây chính là thời điểm hoạt động mạnh của muỗi. Các ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh chủ yếu là ca lẻ tẻ. Vì thế, ngay khi có thông tin về ca mắc, cán bộ dịch tễ sẽ xuống cơ sở, phối hợp với trung tâm y tế huyện, địa phương điều tra dịch tễ. Việc điều tra, giám sát dịch tễ cũng không mất nhiều thời gian để tìm ra ổ nguồn bọ gậy, có thể tại gia đình bệnh nhân hoặc các hộ xung quanh có bán kính 200m. Tuy nhiên, quá trình tìm bọ gậy và muỗi gây bệnh SXH cũng không hề đơn giản. Trong môi trường nước đọng lâu ngày thường có nhiều loại bọ gậy sinh sống, do đó phải phân biệt và tìm được bọ gậy, muỗi trung gian truyền bệnh SXH. Đôi khi để bắt muỗi, cán bộ dịch tễ phải làm mồi nhử thu hút muỗi. Khi đi điều tra dịch tễ, chúng tôi phải mặc quần áo dài, dày tránh bị muỗi đốt. Có thời điểm xuống nhà có ca mắc SXH lại không ở nhà, mất thời gian đi lại, chờ đợi...  

Lâu năm làm nghề săn muỗi vằn nên giờ đây, nhìn bọ gậy hoặc muỗi trưởng thành anh Hoàng có thể phân biệt được đâu là bọ gậy, muỗi aedes trung gian truyền bệnh SXH. Anh Hoàng cho biết thêm: Khác với trứng muỗi anopheles và culex, trứng muỗi aedes có hình ô van, đẻ rời rạc gắn với giá thể và có thể chịu hạn. Đặc điểm của bọ gậy aedes là có ống thở, tạo thành góc nhọn với mặt nước, không có lông palmate và tergal plates. Muỗi trưởng thành nằm ngang với giá thể, muỗi hay đẻ trứng ở bể nước, chum vại, lọ hoa... chứa nước lâu ngày. Muỗi gây bệnh SXH ở Việt Nam chủ yếu là aedes aegypti và aedes albopictus.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những năm gần đây, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh giảm, nguyên nhân chủ yếu là do dịch Covid-19, các hoạt động đi lại, giao thương bị hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay dịch đang bùng phát mạnh ở các tỉnh khu vực phía Nam. Tại Thái Bình, dù số ca mắc giảm nhưng ca mắc nội sinh năm nào cũng có. Do đó, không thể chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. 

Bác sĩ Hà Thị Phương Thảo, Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Khi đi điều tra, giám sát dịch tễ ở địa phương, chúng tôi thấy nhận thức về dịch bệnh SXH của người dân còn hạn chế. Nhiều người còn chủ quan, không nghĩ những bình hoa, chum, vại đựng nước... lại là nơi đẻ trứng, sinh sống của bọ gậy sau đó phát triển thành muỗi. Vì thế, tại nhiều gia đình việc lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết vẫn không được thực hiện triệt để, tạo môi trường giúp muỗi đẻ trứng. Khi đẻ trứng vào thành cứng, gặp điều kiện thuận lợi trứng có thể nở ngay song nếu môi trường không thuận lợi có thể 6 tháng sau mới nở. Vì thế, mầm bệnh vẫn duy trì, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết được tìm thấy xung quanh khu vực nhà bệnh nhân.

Sau khi giám sát, điều tra dịch tễ ở cơ sở, căn cứ kết quả giám sát, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ đánh giá các chỉ số: nhà có bọ gậy muỗi, dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi, số dụng cụ chứa nước có bọ gậy aedes, mật độ bọ gậy muỗi, từ đó đưa ra các hướng dẫn về vệ sinh môi trường, thời điểm phun thuốc muỗi... để địa phương triển khai thực hiện, góp phần khống chế, kiểm soát dịch. Hàng năm, các lớp tập huấn về giám sát, phòng, chống dịch SXH được tổ chức tại các huyện, thành phố nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế cơ sở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát hiện các ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh hầu hết là tại các bệnh viện, công tác giám sát, phát hiện sớm ở địa phương còn chậm. Bên cạnh đó, trang thiết bị phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu, máy soi côn trùng chỉ có ở tuyến tỉnh; kiến thức nhận biết bọ gậy, muỗi gây bệnh SXH ở cơ sở còn hạn chế; người dân còn chủ quan về dịch bệnh...

Diễn biến dịch SXH vẫn đang phức tạp ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc đã tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021, tinh thần “Quyết liệt - thực chất - rốt ráo” trong phòng, chống dịch bệnh SXH đã được triển khai. Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, nguy cơ bùng phát dịch tại các tỉnh, thành phố là rất lớn nếu không kiểm soát tốt. Phòng, chống SXH không phải nhiệm vụ của riêng ai mà cần sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của các tầng lớp nhân dân. Diệt bọ gậy, diệt muỗi, thường xuyên vệ sinh môi trường ngay tại nơi mình sinh sống, làm việc là việc mỗi người cần làm. Không có bọ gậy, lăng quăng, muỗi, sẽ không có SXH.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày