Thứ 6, 29/03/2024, 00:21[GMT+7]

Tìm hiểu quy định của pháp luật về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân

Thứ 5, 09/06/2022 | 11:22:01
6,399 lượt xem

Ảnh minh họa.

Câu 1. Đề nghị cho biết việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân qua phiếu thu thập thông tin dân cư, phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021, việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân qua phiếu thu thập thông tin dân cư; phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư được thực hiện như sau:

1. Việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân qua phiếu thu thập thông tin dân cư; phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư được thực hiện thông qua công tác đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, cấp thẻ căn cước công dân và trực tiếp từ công dân.

2. Việc cập nhật, chỉnh sửa thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được trưởng công an cấp xã hoặc trưởng công an cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây viết gọn là công an cấp xã) phê duyệt.

3. Khi có yêu cầu thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công an cấp xã tiến hành phát phiếu, hướng dẫn công dân kê khai, thu phiếu thu thập thông tin dân cư; phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư; tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin công dân kê khai với giấy tờ pháp lý, giấy tờ hộ tịch của người được thu thập.

- Trường hợp thông tin về công dân đã đầy đủ, chính xác thì cảnh sát khu vực, công an xã ký xác nhận, trình trưởng công an cấp xã ký, đóng dấu.

- Trường hợp thông tin về công dân chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác thì yêu cầu công dân kê khai bổ sung, chỉnh lý và xuất trình các giấy tờ có giá trị pháp lý làm căn cứ xác thực thông tin.

- Trường hợp thông tin của công dân không đồng nhất thì công an cấp xã có trách nhiệm phối hợp với công dân, cơ quan đăng ký hộ tịch, cơ quan có liên quan để kiểm tra tính pháp lý của các thông tin đó, sau khi xác định thông tin chính xác của công dân thì cảnh sát khu vực, công an xã ký xác nhận, trình trưởng công an cấp xã ký, đóng dấu. Trường hợp không đủ căn cứ để phê duyệt thì thông báo và đề nghị công dân bổ sung, hoàn thiện.

4. Công an cấp xã tiến hành cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong thời hạn 2 ngày làm việc phải chuyển phiếu thu thập thông tin dân cư; phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư cho công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là công an cấp huyện) để lưu vào tàng thư hồ sơ cư trú.

5. Khi cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phát hiện thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bị thiếu, có sai sót hoặc không phù hợp thì yêu cầu công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú kiểm tra, rà soát tính chính xác của thông tin; chỉnh sửa, bổ sung thông tin của công dân khi có đủ căn cứ.

Câu 2. Đề nghị cho biết việc thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021, việc thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định như sau:

- Số căn cước công dân, số định danh cá nhân đã có trong giấy khai sinh là số định danh cá nhân của công dân; các trường hợp công dân đã được cấp thẻ căn cước công dân, giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì sử dụng thông tin về số căn cước công dân, số định danh cá nhân trong giấy khai sinh và các thông tin trên thẻ căn cước công dân, giấy khai sinh để tiến hành các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Khi công dân có yêu cầu được thông báo về số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân hoặc người đại diện hợp pháp của công dân yêu cầu công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo.

- Mẫu thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 59/2021/TT-BCA) được in trực tiếp từ hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công dân sử dụng thông báo này để chứng minh nội dung thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Câu 3. Đề nghị cho biết việc thu thập, cập nhật thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được thực hiện như thế nào?
Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021, việc thu thập, cập nhật thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được thực hiện như sau:

- Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân có trách nhiệm thu thập, cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân qua công tác thu nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.

- Thông tin của công dân thu thập qua công tác thu nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân phải bảo đảm đầy đủ, chính xác và đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định.

Câu 4. Theo quy định của pháp luật, việc cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được thực hiện theo thủ tục như thế nào?
Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 8 Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021, thủ tục cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân như sau:
- Cơ quan, tổ chức có nhu cầu cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải có văn bản đề nghị, nêu rõ mục đích, nội dung, phạm vi thông tin cần cung cấp, cam đoan chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp. Nếu không thuộc các trường hợp được cung cấp thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định tại điểm đ khoản 1, Điều 8 thì phải có văn bản đồng ý có công chứng hoặc chứng thực của công dân được đề nghị cung cấp thông tin và được sự đồng ý của người có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Thông tư số 59/2021/TT-BCA.

- Công dân có nhu cầu cung cấp thông tin của mình thì có văn bản yêu cầu nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần cung cấp; xuất trình thẻ căn cước công dân để cơ quan công an kiểm tra, xác định đúng người đề nghị cung cấp thông tin.

- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu khai thác, người có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Thông tư số 59/2021/TT-BCA có trách nhiệm trả lời bằng văn bản kết quả khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

(còn nữa)

Lê Thủy
(Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp)



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày