Thứ 6, 26/04/2024, 17:54[GMT+7]

Đắk Lắk tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị

Thứ 5, 16/06/2022 | 19:32:53
992 lượt xem
Chiều 15/6, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu tại hội nghị.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Đắk Lắk, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đến nay tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chuyển biến quan trọng.

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển, giai đoạn 2002-2025, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 67.716,439 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 26.224,865 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 41.491,574 tỷ đồng. Từ nguồn lực đầu tư này, giai đoạn 2002-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của tỉnh đạt 13,8%. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, tăng gấp 10,99 lần, từ 5.626 tỷ đồng năm 2002 lên 61.801 tỷ đồng vào năm 2020. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ.

Từ điểm xuất phát và mức tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu, nhưng qua từng giai đoạn đã có bước chuyển dịch khá, phát triển theo hướng đa dạng, với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của các bộ phận dân cư từng bước được cải thiện. Năm 2002, thu nhập bình quân đầu người đạt 2,78 triệu đồng thì đến năm 2020 tăng lên 32 triệu đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 53,98 triệu đồng, gấp 18,4 lần năm 2002.

Về hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng giáo dục, y tế… được đầu tư đồng bộ. Đến năm 2020, toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê-tông hóa được 96,01% đường tỉnh lộ; 91,57% đường huyện; 64,96% đườg xã, liên xã; 100% xã có đường nhựa đến trung tâm; Cảng hàng không Buôn Ma Thuột phục vụ 933.644 hành khách mỗi năm. Hệ thống lưới điện quốc gia được đầu tư bảo đảm cung cấp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, 99,5% số thôn, buôn có điện và 99,8% số hộ được dùng điện.

Nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết có hiệu quả, nhất là vấn đề đất đai, nhà ở, việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Các chương trình, đề án, chính sách dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt; kịp thời, chủ động nắm tình hình địa bàn, tâm tư nguyện vọng của đồng bào… Từ đó, kịp thời giải quyết các nhu cầu bức thiết cũng như đề ra các chính sách hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giảm bình quân 5%/năm. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,32%, đưa tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giảm từ 17,40% xuống còn 14,08%. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2020 giảm còn 4,99% số hộ. Từ đó, tạo ra nền tảng, động lực cho phát triển bền vững của tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… được quan tâm thực hiện; tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở; ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội…

Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, mức hưởng thụ văn hóa được nâng cao, hạ tầng nông thôn vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh đã có nhiều thay đổi phục vụ tốt cho nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Các hoạt động tôn giáo diễn ra ổn định, đa số tuân thủ đúng quy định của pháp luật và hiến chương, nội quy của tôn giáo.

Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng-an ninh được tăng cường, giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quang trọng. Các tổ chức cơ sở đảng được sắp xếp lại theo từng loại hình phù hợp chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn. Đến nay, 100% thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có chi bộ, đảng viên là người tại chỗ. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở ngày càng được phát huy, nguyên tắc sinh hoạt đảng được bảo đảm; công tác quản lý đảng viên được thực hiện theo đúng quy định…

Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy bổ sung thêm những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên; đồng thời đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp mang tính đột phá gắn với cơ chế, chính sách đặc thù trong các lĩnh vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp mỗi tỉnh và toàn vùng Tây Nguyên khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đẩy nhanh tốc độ phát triển, thu hẹp khoảng cách so các vùng kinh tế khác của cả nước.

Theo nhandan.vn