Thứ 4, 27/11/2024, 23:44[GMT+7]

Giữ cho nghề báo thanh cao

Thứ 2, 20/06/2022 | 09:11:14
3,235 lượt xem
Trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, 97 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, yêu quý, người làm báo cũng được xã hội tôn vinh. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từng nói: “Bất cứ nghề gì cũng cao quý, rất đáng tôn vinh nhưng làm báo, với tính chất đặc thù của nó, lực lượng góp phần dẫn dắt tư tưởng, văn hóa thuộc thượng tầng kiến trúc càng có ý nghĩa đặc biệt, được nhân dân tin yêu, gửi gắm. Càng gian khó, phẩm chất và đạo đức làm nghề càng tỏa sáng. Sự cao quý của nó, niềm vinh dự và tự hào của những người làm báo, trong thử thách càng được nhân lên”.

Phóng viên tác nghiệp tại Hội báo toàn quốc năm 2022.

Với sứ mệnh lịch sử của mình, bên cạnh là cầu nối ý Đảng - lòng dân, báo chí cũng là một vũ khí sắc bén chống lại kẻ thù, đấu tranh với mọi hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ”. Thực tiễn, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, báo chí đã phát huy vai trò xung kích, thể hiện rõ chức năng giám sát của nhân dân. Công chúng thấy rõ, báo chí luôn đi tiên phong trong việc phát hiện và thúc đẩy các nhân tố mới, đồng thời tham gia phản biện, đưa ra ánh sáng các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, đẩy lùi cái xấu trong xã hội, góp một phần công sức không nhỏ vào công cuộc đổi mới đất nước.

Bởi báo chí được xã hội tôn vinh nên cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh” sử dụng sức mạnh của báo chí để tư lợi, nhũng nhiễu, tiêu cực. Rồi trong cuộc chạy đua thông tin, có những nhà báo bất tuân nghiệp vụ, đưa tin cẩu thả, sai bản chất sự việc, xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân và hoạt động sai tôn chỉ mục đích. Những tin, bài đó khi được đăng tải, xuất bản chẳng những không mang lại giá trị lợi ích mà còn gây thiệt hại cho cộng đồng, xã hội và khiến người dân hoang mang, mất niềm tin vào báo chí. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chấn chỉnh, xử lý một số cơ quan báo chí, nhà báo có sai phạm đã kịp thời góp phần làm cho hoạt động báo chí lành mạnh, lấy lại uy tín cho người làm báo.

Song, để củng cố niềm tin của Đảng, Nhà nước và để nhân dân yêu mến, giữ cho nghề báo được thanh cao, trước hết mỗi nhà báo phải tự trau dồi, rèn luyện toàn diện, nhất là về đạo đức. Bác Hồ của chúng ta luôn xem đạo đức là cái gốc của con người. Với cán bộ báo chí, Người nhấn mạnh: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Người cũng nhắc các nhà báo phải có phẩm chất chính trị vững vàng, phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng. Vì vậy, đã là nhà báo cách mạng thì chúng ta phải giữ cho tâm sáng, lòng trong, khách quan, trung thực, thực hiện tốt Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Chỉ có đạo đức cách mạng nhà báo mới không bị sa ngã, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đánh mất mình trước những cám dỗ tiền bạc, danh vọng và bị các thế lực thù địch lợi dụng. Nhà báo cũng từ nhân dân mà ra và Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Người làm báo từ trung ương đến địa phương đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân”, đó chính là đạo đức căn cốt, nằm lòng của nhà báo.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại cơ sở.

Trong bối cảnh báo chí hiện đại có nhiều thay đổi cả về hạ tầng, phương pháp, cách thức, hình thức truyền thông, sự cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt, để giữ được vai trò định hướng dư luận của báo chí, mỗi nhà báo không được tự hài lòng mà phải thường xuyên học tập, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, vững vàng nghiệp vụ. Nhà báo cũng phải tự đổi mới mình để mỗi tác phẩm báo chí thực sự là một món ăn tinh thần thú vị, hấp dẫn công chúng và đưa họ ra khỏi “khu rừng hoang” thông tin của mạng xã hội.

Khoa học công nghệ ngày càng hiện đại giúp cho nhà báo có điều kiện thuận lợi để nắm bắt, khai thác thông tin và thực hiện tác phẩm báo chí. Song, không vì thế nhà báo lạm dụng công nghệ, phụ thuộc vào mạng xã hội để làm báo, bởi rất dễ rơi vào tình trạng phản ánh thông tin không có cảm xúc, sai sự thật, không đúng bản chất, tiếp tay cho các thế lực thù địch. Thông tin trên báo chí phải mang hơi thở của cuộc sống cho nên nhà báo cũng phải có mặt ở đầu nguồn thông tin và sống cùng hơi thở của sự việc, sự kiện đó.

Chúng ta còn nhớ, trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, Bác Hồ nói rằng, muốn viết báo thì “Thứ nhất, cần phải gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực...”. Và Người cũng dạy, các nhà báo trước khi viết phải trả lời các câu hỏi “Vì ai mình viết? Viết cho ai? Viết để làm gì?”. Mỗi nhà báo đều tự hỏi rồi tự trả lời những câu hỏi ấy trước khi viết báo, đó chính là nhà báo cách mạng, là góp phần làm cho nền báo chí cách mạng có sức chiến đấu mạnh mẽ hơn, được xã hội trân trọng hơn và giữ cho nghề báo thật sự thanh cao.


Khắc Duẩn