Thứ 2, 13/01/2025, 06:43[GMT+7]

Khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các lực lượng xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục

Thứ 5, 30/06/2022 | 18:20:43
2,209 lượt xem
Chiều ngày 30/6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo “Đề án xã hội hóa giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng chí Vũ Thanh Vân, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Vũ Thanh Vân, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Theo dự thảo đề án, định hướng xã hội hóa giáo dục tập trung khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các lực lượng xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục; ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Đa dạng hóa các loại hình giáo dục, phát triển giáo dục tư thục gắn liền với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín, chất lượng cao trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân trong xã hội trên cơ sở thỏa thuận và cam kết giữa nhà trường và xã hội, tạo điều kiện để xã hội giám sát việc thực hiện cam kết về chất lượng và chi phí. Khuyến khích các cơ sở giáo dục công lập hợp tác, liên doanh, liên kết với các cơ sở ngoài công lập; chuyển đổi một số cơ sở giáo dục công lập ở những địa bàn thuận lợi theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo pháp luật để thúc đẩy các cơ sở giáo dục công lập và tư thục phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị.

Đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo đề án.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo đề án, đồng thời cho rằng việc xây dựng đề án đã kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục hiện nay của tỉnh. Ngoài ra, các đại biểu cho rằng nội dung đề án cần đánh giá làm rõ hơn kết quả xã hội hóa giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua, trên cơ sở đó tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và có biện pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện trước đây. Trong các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra cần nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thực hiện; bổ sung thêm mục tiêu xây dựng các trường giáo dục chất lượng cao, trước mắt là xây dựng một số trường thí điểm sau đó triển khai nhân rộng trên địa bàn; nên đưa tỷ lệ trẻ được học tin học và tiếng Anh vào đề án cho phù hợp với xu thế hiện nay; quan tâm đến xã hội hóa các hoạt động trải nghiệm cho trẻ…

Phát biểu kết luận, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu; đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến, trên cơ sở đó bổ sung, hoàn chỉnh đề án báo cáo cấp có thẩm quyền và sớm đưa đề án vào cuộc sống. Đồng chí cũng đề nghị nên thống nhất tên đề án là “Đề án xã hội hóa giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Về bố cục đề án nên chia thành 5 phần, trong đó phần thực trạng cần nêu được những khó khăn, bất cập trong thực hiện xã hội hóa giáo dục thời gian qua, đánh giá được sự quan tâm của xã hội đối với vấn đề này. Về mục tiêu của đề án, phải nhấn mạnh được mục tiêu chính là nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời xem xét lại một số mục tiêu cụ thể sao cho phù hợp với thực tiễn.

 Đào Quyên