Thứ 3, 23/04/2024, 18:00[GMT+7]

Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) Tháng 7 - tháng tri ân

Thứ 3, 05/07/2022 | 21:45:11
4,704 lượt xem
Kết thúc các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Thái Bình có 52.089 liệt sĩ; 29.476 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 16.243 bệnh binh; 27.958 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... Để bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát to lớn đó, nhiều năm qua, các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho người có công.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm hỏi, động viên người có công điều dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công.

Những ngày tháng 7, có mặt tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công (cơ sở 2) tại xã Minh Quang (Vũ Thư), rất nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên và tặng quà các thương bệnh binh. Là thương binh nặng sống tại Trung tâm đến nay gần 50 năm, với thương binh Nguyễn Xuân Thái, quê ở huyện Đông Hưng thì Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công chính là ngôi nhà thứ hai. Vào những dịp lễ, tết hay gần đến ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, các thương bệnh binh lại tập trung về Trung tâm cùng nhau ôn lại ký ức hào hùng trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đến thăm hỏi, động viên và tặng quà nên ai cũng phấn khởi. 

Trò chuyện với chúng tôi, thương binh Nguyễn Xuân Thái cho biết: Hơn 10 năm trước, Trung tâm tiếp nhận và nuôi dưỡng, chăm sóc cho khoảng 40 thương bệnh binh nặng; song do di chứng của chiến tranh, sức khỏe yếu, nhiều thương bệnh binh đã ra đi, đến nay chỉ còn 21 người. Mọi sinh hoạt đều phải có sự giúp đỡ tận tình của người thân và cán bộ, y bác sĩ Trung tâm. 

Điều dưỡng Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Nuôi dưỡng người có công của Trung tâm chia sẻ: Đa số người có công ở Trung tâm tuổi đã cao, sức khỏe yếu, tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên, tình trạng bệnh tật phức tạp, đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Mỗi năm, các thương bệnh binh ở đây đều phải chuyển lên tuyến trên điều trị, do đó bất kể ngày hay đêm, ngày lễ hay ngày tết, cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn dành sự quan tâm, chăm sóc các thương bệnh binh bằng tất cả ân tình và trách nhiệm, giúp các bác vơi đi nỗi đau, vui sống tuổi già. 

Với 63 thương bệnh binh, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin mắc chứng bệnh tâm thần đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tại xã Đông Kinh (Đông Hưng), vào những ngày nắng nóng, bệnh thường tái phát, lên cơn co giật, vì vậy việc chăm sóc của cán bộ, nhân viên ở đây cũng vất vả hơn. Song, thấu hiểu được những đau đớn mà các thương bệnh binh phải gánh chịu, cán bộ Trung tâm lại càng cố gắng, nỗ lực để chăm lo tốt hơn. Để xoa dịu đau đớn về thể xác cho các thương bệnh binh, ngoài đơn thuốc điều trị hàng ngày, vào mùa nắng nóng, cán bộ, nhân viên Trung tâm lại đóng góp và kêu gọi nguồn kinh phí từ các tổ chức, cá nhân để cải thiện bữa ăn, bổ sung đồ uống... cho các thương bệnh binh. 

Bệnh binh Nguyễn Quang Thái, xã Độc Lập (Hưng Hà) chia sẻ: Tôi vào Trung tâm từ năm 2005. Sống tại Trung tâm, tôi và các thương bệnh binh, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/ Điôxin được cán bộ, nhân viên chăm sóc rất tận tình, chu đáo nên bệnh cũng thuyên giảm nhiều. Gần đến ngày Thương binh - Liệt sĩ, cùng với sự quan tâm, chăm sóc của Trung tâm, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến thăm hỏi, động viên, tặng quà, giao lưu văn nghệ nên ai cũng vui và phấn khởi. 

Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công. 

Điều dưỡng Nguyễn Thị Tươi, Trưởng khoa Người có công của Trung tâm tâm sự: Thời gian gần đây, bệnh nhân có biểu hiện tái phát cơn, hoang tưởng, suy tư, trầm cảm. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm càng phải quan tâm sâu sát đến từng bệnh nhân, chia sẻ từng bữa ăn, giấc ngủ, tìm hiểu và nắm được tâm lý của từng người để có phương án điều trị thích hợp, giúp người bệnh xoa dịu những cơn đau. 

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay toàn tỉnh có 362.720 người đã được xác nhận, giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công, người tham gia hoạt động kháng chiến hiện đang được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hồ sơ, trong đó có 52.089 liệt sĩ; 5.483 mẹ Việt Nam anh hùng được tỉnh Thái Bình đề nghị phong tặng, truy tặng; 29.476 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 16.243 bệnh binh; 27.958 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Để chăm lo chu đáo cho người có công, cùng với ngân sách trung ương, mỗi năm tỉnh bố trí kinh phí hàng chục tỷ đồng, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vận động, quyên góp tổ chức trao quà cho người có công và gia đình người có công vào dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ. 

Cuối tháng 6 vừa qua, tại buổi thăm, động viên các thương bệnh binh đang điều dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công (cơ sở 1), xã Đông Minh (Tiền Hải), đồng chí Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao sự quan tâm, chăm lo của Trung tâm nói riêng, các cơ sở chăm sóc người có công trong tỉnh nói chung đã không ngại khó, ngại khổ, vượt lên khó khăn, chăm lo tốt nhất cho người có công. Đồng chí khẳng định những hy sinh, mất mát của các thương bệnh binh và thân nhân người có công không gì bù đắp nổi, vì vậy tập thể cán bộ, nhân viên các trung tâm tiếp tục phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chăm lo tốt hơn nữa cho người có công với cách mạng. 

Nguyễn Cường 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày