Thứ 2, 23/12/2024, 09:00[GMT+7]

Thảo luận tổ trước kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII

Thứ 2, 11/07/2022 | 17:58:39
15,913 lượt xem
Chiều ngày 11/7, HĐND tỉnh chia 8 tổ thảo luận về nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự thảo luận tổ thành phố Thái Bình chiều ngày 11/7.

Video: 11722-_th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn_t%E1%BB%95_tr%C6%B0%E1%BB%9Bc_k%E1%BB%B3_h%E1%BB%8Dp_th%E1%BB%A9_t%C6%B0%2C_h%C4%91nd_t%E1%BB%89nh_kh%C3%B3a_XVII.mp4?_t=1657548120

Dự thảo luận tổ có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Vũ Thư thảo luận tại tổ.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Thái Thụy thảo luận tại tổ. 

Tại các tổ, các đại biểu đã phát huy tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sát thực tế, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp; đồng thời tập trung thảo luận báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Các đại biểu ghi nhận, đánh giá dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 song với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả; một số dự án, công trình trọng điểm, công trình kết nối quan trọng được tập trung nguồn lực để sớm hoàn thành, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chỉ đạo toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tế, vừa đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế vừa phục vụ tốt đời sống nhân dân. 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đánh giá, phân tích một số vấn đề còn hạn chế như tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ, công việc được giao và việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực, việc triển khai một số công trình giao thông, dự án còn chậm; việc tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu đề ra…

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Tiền Hải thảo luận tại tổ. 

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Quỳnh Phụ thảo luận tại tổ.Đại biểu HĐND tỉnh tổ Hưng Hà thảo luận tại tổ. 

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Kiến Xương thảo luận tại tổ.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Đông Hưng thảo luận tại tổ. 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2022, các đại biểu đề nghị tỉnh cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19, tránh chủ quan, lơ là; triển khai thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả giải pháp tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tăng cường công tác quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý ngân sách nhà nước; huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong các bệnh viện...

Các ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu HĐND tỉnh sẽ được tổng hợp báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh sáng ngày 13/7.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Dư, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

Qua tiếp xúc cử tri và giám sát trước kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh, cử tri đánh giá cao Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt công tác phòng, chống dịch Covid-19, khám chữa bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đến nay, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cử tri rất quan tâm đến tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện công chậm được giải quyết mà nguyên nhân chính là do khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu. Thời gian qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp song tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh mới đạt 87,1%, thấp hơn chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (91,7%). Nếu tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế ở các bệnh viện còn chậm được giải quyết sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý của nhân dân, ảnh hưởng đến chỉ tiêu phấn đấu đạt số người tham gia bảo hiểm y tế. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu, giải quyết sớm nhằm bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế.


Đại biểu Trần Văn Toản, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh

 Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển nông nghiệp thời gian tới là tập trung quy hoạch các vùng sản xuất và tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác, liên kết, hình thành các hợp tác xã kiểu mới để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với hoạt động chế biến và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. Với định hướng đó, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 7 mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo ở 9 xã của 6 huyện: Đông Hưng, Vũ Thư, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải, Quỳnh Phụ. Tỉnh cũng đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để các xã triển khai mô hình. Do vậy, các mô hình đã bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao lợi nhuận trong sản xuất lúa gạo, tạo sản phẩm lúa gạo có nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm; thay đổi tư duy của nông dân về phương thức sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ; dần xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình. Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo và khảo sát từ thực tế tôi thấy cơ bản số lượng lúa gạo sản xuất ra tại các mô hình chưa lớn, mẫu mã bao bì chưa bắt mắt. Đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp tổ chức đánh giá việc triển khai mô hình thời gian qua, trên cơ sở đó phát huy những mặt đã đạt được, khắc phục hạn chế. Các xã cần nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, giống, quy trình chế biến, cải tiến mẫu mã vừa để nâng cao chất lượng lúa gạo vừa để mở rộng các vùng sản xuất. Tỉnh cũng cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo động lực cho các xã mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ, vươn ra thị trường quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh

Trước kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đã thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp do Thường trực HĐND tỉnh phân công. Qua thẩm tra tôi thấy tốc độ phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đạt 9,49%, cao hơn chỉ tiêu đề ra là phù hợp với sự phục hồi, phát triển vượt bậc của các ngành, lĩnh vực thời gian qua. Tôi đánh giá cao tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa, nhất là về máy móc nông nghiệp. Đã có cá nhân tích tụ hàng chục héc-ta ruộng, đầu tư máy móc cấy lúa chất lượng, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần giảm ruộng bỏ hoang. Đề nghị tỉnh tiếp tục có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời; chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ không cấy dồn đổi ruộng thành vùng tạo thuận lợi cho các cá nhân tích tụ ruộng để họ yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài. Bên cạnh đó, tỉnh cần biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân tích tụ nhiều ruộng, sản xuất hiệu quả.

Đại biểu Phan Văn Dương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kiến Xương 

Qua nghiên cứu tôi thấy báo cáo trình kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh đã đánh giá đúng, đủ các kết quả đạt được toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đem lại sự hài lòng hơn đối với nhân dân, tỉnh cần có các giải pháp, quan tâm hơn đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn như các mô hình chuyển đổi, mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất để tạo sự bứt phá mạnh mẽ nhằm nâng cao giá trị sản xuất cũng như thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh nên sớm ban hành quyết định, kế hoạch thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu để các địa phương có đủ căn cứ triển khai thực hiện. Ngoài ra, tỉnh sớm có chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân, tránh tình trạng bức xúc kéo dài nhiều ngày như thời gian qua không được giải quyết.



Đại biểu Trần Văn Trà, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen

Dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 song tỉnh luôn lắng nghe, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm tăng 18,2% so với cùng kỳ, xếp thứ ba trong các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được quan tâm chỉ đạo thực hiện tạo nên con số ấn tượng là 6 tháng tỉnh đã chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 44 dự án với tổng số vốn 15.142,1 tỷ đồng (gấp 2,2 lần về vốn so với cùng kỳ năm 2021). Song, ý kiến cử tri, nhất là doanh nghiệp, các nhà đầu tư phản ánh thì hiện nay khó khăn họ vẫn phải đối mặt là việc giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án còn chậm, vướng mắc chủ yếu từ đất chuyển nhượng dẫn đến một số dự án kéo dài nhiều năm không triển khai được. Đề nghị tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có mặt bằng sạch để triển khai dự án, bảo đảm tiến độ đề ra.

 Đại biểu Phan Thị Thủy, Bí thư Huyện đoàn Thái Thụy

Tôi cơ bản nhất trí với các dự thảo báo cáo và các tờ trình tại kỳ họp HĐND tỉnh, nhất là các chủ trương liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách và điều chỉnh một số nội dung không phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên qua nghiên cứu theo dõi tôi mong muốn HĐND tỉnh cần thực hiện việc trả lời ý kiến cử tri sau kỳ họp kịp thời, nhanh hơn nữa để cử tri nắm bắt, theo dõi được các vấn đề đã được giải quyết. Từ đó góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với chính quyền các cấp trong tỉnh. Đối với Đề án phát triển thanh niên giai đoạn 2021 - 2030 của UBND tỉnh, cần bố trí kinh phí cụ thể cho các ngành để việc tổ chức thực hiện được hiệu quả hơn. Tôi cũng mong muốn tỉnh quan tâm, giải quyết chế độ của giáo viên làm tổng phụ trách ở các trường sáp nhập cho phù hợp với nhiệm vụ, số lượng công việc đang đảm nhiệm.



Nhóm phóng viên