Thứ 3, 31/12/2024, 01:10[GMT+7]

Tăng cường hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật

Thứ 3, 12/07/2022 | 08:33:33
1,013 lượt xem
Ngày 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về nguyên tắc dự thảo nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Nội dung làm việc này được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Trước đó, thảo luận về dự thảo nghị quyết, các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất nhận định, việc ban hành nghị quyết là cần thiết, đúng với Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đúng Kết luận số 522 ngày 25/11/2021 tại Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại phiên họp. 

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc ban hành nghị quyết này là rất cần thiết.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hằng năm có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đúng pháp luật, trong đó có cả việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, có văn bản sai về nội dung.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật là vấn đề rất quan trọng.

Muốn vậy, trước hết, cơ quan ban hành, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp. 

Các đại biểu cho rằng, trong quá trình soạn thảo, cơ quan soạn thảo là Văn phòng Quốc hội và cơ quan phối hợp là Ủy ban Pháp luật đã phối hợp các cơ quan thực hiện rất khẩn trương.

Về kỳ báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là hoạt động giám sát thường xuyên nên phải có báo cáo thường xuyên, có thể theo hình thức mỗi năm 1 lần tại 1 kỳ họp của Quốc hội.

Dự thảo nghị quyết được ban hành dưới dạng văn bản hướng dẫn nên không đặt ra quy định mới, không đặt ra thẩm quyền mới, không đặt ra nghĩa vụ mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, sớm hoàn thiện dự thảo nghị quyết và hoàn thành các thủ tục để sớm ban hành nghị quyết trong tháng 7.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày