Thứ 6, 22/11/2024, 03:38[GMT+7]

Ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản tận diệt ven bờ

Thứ 2, 18/07/2022 | 08:19:56
2,805 lượt xem
Những năm gần đây, số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh khai thác thủy sản vùng khơi, vùng lộng phát triển, tuy nhiên số tàu cá hoạt động vùng ven bờ còn khá lớn, tình trạng khai thác thủy sản ven bờ mang tính tận diệt vẫn diễn ra. Việc làm này không chỉ gây tổn hại cho nguồn lợi thủy sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và nỗ lực khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Đoàn công tác tạm giữ tàu cá của tỉnh Nam Định có hành vi sử dụng công cụ kích điện khai thác hải sản trái phép tại vùng biển Thái Bình.

Việc đánh bắt thủy hải sản theo hình thức tận diệt như sử dụng kích điện, lưới kích thước nhỏ... là hành vi bị nghiêm cấm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Thời gian qua, các lực lượng kiểm ngư, thanh tra chuyên ngành, Bộ đội Biên phòng tỉnh... đã phối hợp tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát tại vùng biển và vùng ven bờ để ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản tận diệt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp ngư dân vì lợi ích trước mắt vẫn sử dụng các phương pháp khai thác có tính chất tận diệt. Những hành động trên khiến cho môi trường sinh thái mất cân bằng, giảm tính phong phú, đa dạng của các quần thể giống loài thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói, việc khai thác thủy sản ven bờ theo kiểu tận diệt không chỉ có sự tham gia của ngư dân địa phương, mà gần đây còn xuất hiện nhiều tàu cá của các địa phương lân cận.

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Từ ngày 28/6 - 1/7, đoàn công tác của Chi cục đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa Lân tiến hành kiểm tra, kiểm soát tàu cá trên vùng biển tỉnh Thái Bình khắc phục cảnh báo của EC về IUU. Đoàn công tác tuần tra, kiểm soát đã thực hiện các nội dung: triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp; ngăn chặn tình trạng tàu cá của tỉnh hoạt động khai thác thủy sản sai quy định, không báo cáo, không ghi nhật ký khai thác; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân về các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề khai thác IUU. Quá trình kiểm tra, kiểm soát, đoàn công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt đối với 3 cá nhân có hành vi vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 51,5 triệu đồng, trong đó có 2 tàu cá của tỉnh Nam Định sử dụng kích điện khai thác thủy sản.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.200 tàu cá, trong đó có 736 tàu được đăng ký và nhập vào phần mềm dữ liệu tàu cá quốc gia Vnfishbase. Số lượng tàu làm nghề lưới kéo, lưới rê trên địa bàn tỉnh khá lớn (trên 500 tàu). Ngoài ra, số lượng tàu cá có chiều dài dưới 6m còn nhiều, khó kiểm soát. Đây là những tàu cá thường sử dụng các biện pháp, công cụ khai thác thủy sản tận diệt. Để ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản tận diệt, góp phần hiệu quả vào công tác khắc phục thẻ vàng EC, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các lực lượng có liên quan, các địa phương ven biển tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là Luật Thủy sản, các chỉ thị về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đồng thời, vận động ngư dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán và tàng trữ, sử dụng xung kích điện, chất nổ để khai thác thủy sản. Thường xuyên phối hợp với lực lượng biên phòng thực hiện các đợt tuần tra, kiểm soát tại vùng cửa sông, ven biển, khu vực cảng cá, kiểm tra, kiểm soát các tàu cá trước khi xuất bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp sản xuất, buôn bán và tàng trữ, sử dụng xung kích điện, chất nổ để khai thác thủy sản. Năm 2021, Chi cục Thủy sản tổ chức 11 chuyến tuần tra, kiểm tra trên 500 lượt phương tiện; lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 2 vụ/2 tàu cá sử dụng xung kích điện để khai thác hải sản, không có giấy phép khai thác thủy sản, nộp ngân sách nhà nước 60 triệu đồng. Các đơn vị bộ đội biên phòng đã phát hiện, tịch thu và tiêu hủy 3 bộ tích điện.

Để bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường nước, cần có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa của các cấp chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và trên hết chính là ý thức chấp hành pháp luật về đánh bắt thủy sản của mỗi người dân và toàn xã hội.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị hàng năm tổ chức thả giống thủy sản nhằm duy trì và bảo vệ nguồn thủy sản tự nhiên.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày