Thứ 7, 27/04/2024, 01:35[GMT+7]

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp: Khơi thông những “điểm nghẽn”

Thứ 2, 25/07/2022 | 09:15:37
4,902 lượt xem
Việc thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp giàu tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mà còn thúc đẩy phát triển một nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, do có nhiều “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách liên quan đến nguồn vốn, đất đai… chậm được khơi thông nên số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chưa như mong muốn. Đây cũng chính là vấn đề đang được ngành Nông nghiệp cùng các ngành chức năng, địa phương phối hợp với doanh nghiệp tháo gỡ.

Chế biến nông sản tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, một trong những doanh nghiệp đầu tư hiệu quả ở lĩnh vực nông nghiệp.

“Điểm nghẽn” nguồn vốn và đất đai

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ngày càng nhiều và là nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Trong số 14.800 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp, có một số doanh nghiệp, tập đoàn mạnh với trình độ, năng lực công nghệ cao, như: Nafoods, Đồng Giao, Doveco, Dabaco, Masan, Vinamilk... Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều rào cản.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên (tỉnh Điện Biên) Nguyễn Thanh Trường cho biết, năm 2018, công ty triển khai dự án sản xuất lúa theo chuỗi giá trị gia tăng; đồng thời xây dựng nhà máy chế biến khép kín gồm hệ thống sấy khô với công suất 60 tấn lúa tươi/ngày và hệ thống xay xát chế biến hiện đại với công suất 3 tấn/giờ... Việc thực hiện các dự án này gặp rất nhiều khó khăn, như: Thiếu nguồn giống năng suất, chất lượng cao; thị trường tiêu thụ không ổn định; nguồn vốn đầu tư hạn hẹp… Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa được thụ hưởng nguồn hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội Võ Việt Dũng thông tin, hiện tại, mỗi tháng công ty cung cấp khoảng 300 tấn thịt lợn ra thị trường và đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến... Mặt khác, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao nên việc thuê đất sản xuất cũng không dễ.

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hiện tại thành phố có hơn 900 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và thực tế cho thấy, có không ít "điểm nghẽn" thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó vấn đề lớn nhất là nguồn vốn và quỹ đất. Không có quỹ đất lớn nên quy mô sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chủ yếu chỉ khoảng vài héc ta.

Hiện cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp, nhưng số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ khoảng 14.800. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, quy mô doanh nghiệp nông nghiệp còn nhỏ bé, hiệu quả hoạt động chưa cao. Mặc dù chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã cơ bản đủ, tuy nhiên, vẫn còn những “điểm nghẽn” về chính sách dẫn đến kết quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Chế biến thịt lợn tại Công ty cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội. 

Cùng doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc

Để khơi thông các “điểm nghẽn”, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã, đang triển khai nhiều giải pháp; đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao (tỉnh Ninh Bình) Nguyễn Thanh Tùng, để doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên kết hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án theo kế hoạch…

Cũng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đối với vấn đề quỹ đất, Hà Nội đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống các khu kinh tế hỗ trợ nhằm tạo cơ sở, nền tảng sản xuất cho doanh nghiệp. Cùng với đó, thành phố tiếp tục vận dụng chính sách hỗ trợ từ chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn để giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn...

Đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 16.400, tạo ra nguồn hàng hóa nông sản chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là công ty nông, lâm nghiệp; đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ nay đến cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; đồng hành và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, nông nghiệp hữu cơ…

Về lâu dài, Bộ NN&PTNT cũng như các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong nước và quốc tế. Cùng với đó là định hướng về mặt hàng nông sản chủ lực có thế mạnh, tiềm năng ở từng địa phương, từng vùng để các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư…

Theo Báo Hànộimới

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày