Thứ 4, 15/01/2025, 15:31[GMT+7]

Nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Thứ 3, 16/08/2022 | 08:44:40
1,774 lượt xem
Nắm bắt nhu cầu thị trường về sản phẩm chất lượng cao và an toàn, một số nông dân ở xã Hồng Minh (Hưng Hà) đã thay đổi phương thức canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản phẩm không chỉ xuất bán với giá cao gấp từ 2 - 4 lần sản phẩm cùng loại canh tác theo phương thức truyền thống mà còn xuất khẩu và lên sàn siêu thị thuận lợi.

Mô hình trồng ớt hữu cơ của anh Phạm Công Huân, xã Hồng Minh (Hưng Hà) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Trồng ớt hữu cơ để xuất khẩu

Trong khi nhiều địa phương đang loay hoay tìm đầu ra cho nông sản thì mô hình sản xuất ớt hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ đang được anh Phạm Công Huân, thôn Tịnh Xuyên, xã Hồng Minh triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng.

Những năm trước anh Huân chỉ trồng 3 mẫu ớt theo kinh nghiệm thông thường. Khi thu hoạch, thương lái tìm đến mua nhưng giá cả luôn bấp bênh, thậm chí nhiều vụ không bán được. Sau nhiều năm trăn trở, anh Huân mạnh dạn đưa giống ớt Ấn Độ về canh tác. Với giống ớt mới này, dự kiến sẽ cho 6 đợt thu hoạch, với sản lượng khoảng 15 tấn/ha. Từ 3 mẫu thử nghiệm, sau 3 năm lăn lộn tìm hiểu và liên hệ với các doanh nghiệp, anh Huân đã tìm được đầu ra cho sản phẩm và tập trung đầu tư trồng ớt quy mô lớn. Đến nay, anh Huân đã nhân rộng mô hình lên 3ha. 

Theo anh Huân, trong quá trình sản xuất, anh chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, phân chuồng thay thế thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, vừa tiết giảm chi phí vừa thân thiện với môi trường, giá trị dinh dưỡng cao, an toàn. Hiện nay, mô hình ớt của anh đã cho thu hoạch với giá 27.500 đồng/kg xuất cho các công ty nên anh Huân không phải lo chuyện “được mùa mất giá” và yên tâm canh tác. Tính ra mỗi năm, từ mô hình anh cũng thu lãi hàng trăm triệu đồng. Dự kiến trong thời gian tới, anh liên kết với bà con nông dân trong xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng ớt hữu cơ lên 10ha.

Với quy mô lớn, anh Huân còn làm hệ thống tưới nước tự động và thuê thêm 15 - 20 lao động với thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày để chăm sóc và thu hoạch ớt. 

Bà Nguyễn Thị Toán, xã Chí Hòa cho biết: Tôi gắn bó với mô hình trồng ớt của anh Huân từ khi mới đi vào sản xuất. Công việc trồng ớt hữu cơ đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nên tôi cũng phải tỉ mỉ, học hỏi để làm. Trong quá trình học việc đều được anh Huân hướng dẫn cụ thể. Đến nay vườn ớt đang cho thu hoạch, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể thấy, việc trồng ớt hữu cơ theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã và đang mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn, không chỉ giúp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện.

Thanh long vỏ vàng lên sàn siêu thị

Đưa giống thanh long vỏ vàng, ruột trắng về trồng trên vùng đất bãi ven sông Trà Lý theo phương pháp hữu cơ, vợ chồng bà Vũ Thị Sao, xã Hồng Minh tạo ra những nông sản sạch phục vụ người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Năm 2019, vợ chồng bà Sao thuê lại hơn 4ha đất bãi ven sông để đưa giống thanh long mới này về trồng. Với mục tiêu hướng đến thị trường xuất khẩu và đưa sản phẩm lên sàn siêu thị nên tất cả quy trình sản xuất ở đây đều theo hướng hữu cơ nhằm tạo được sản phẩm thanh long sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Sau 3 năm cải tạo đất với chi phí lên đến hàng tỷ đồng, đến nay vườn thanh long của bà Sao đã cho thu quả, sản phẩm được thị trường ưa chuộng và bán với giá từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội và Hải Phòng. 

Bà Sao cho biết: Trồng thanh long theo hướng hữu cơ tốn nhiều công sức so với phương thức truyền thống song bù lại giá bán sản phẩm tương đối cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Thường 1ha thanh long nếu chăm tốt đúng kỹ thuật cho mỗi 1 lứa 15 - 20 tấn quả, 1 năm 4 - 5 lứa quả. Chúng tôi kết nối, cung cấp thanh long cho các cửa hàng thực phẩm sạch và chuỗi siêu thị ở miền Bắc. Để đủ điều kiện cung ứng cho các đơn vị, chúng tôi phải bảo đảm nguồn hàng chất lượng, chuẩn sạch, có kiểm nghiệm các chỉ tiêu hữu cơ.

Theo ông Vũ Hữu Hỷ, Chủ tịch UBND xã Hồng Minh: Mô hình trồng thanh long vỏ vàng của gia đình bà Sao là mô hình mới trên địa bàn xã, bước đầu mang lại hiệu quả tương đối cao, nhất là khi sản phẩm được thị trường ưa chuộng đã mở hướng lựa chọn mới cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình. Đây là mô hình rất cần được nhân rộng.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ để cung cấp thực phẩm an toàn, đồng thời bảo đảm hệ sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị nông sản là mục tiêu huyện Hưng Hà đang thực hiện để hướng tới phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Tại các địa phương, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đang được nông dân quan tâm đầu tư, bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên cần có định hướng phát triển cùng với các cơ chế, chính sách đột phá, khả thi để phát triển nông nghiệp hữu cơ được hiệu quả.

Mẫu mã đẹp, vị ngọt mát, thanh long vỏ vàng đang được các siêu thị thu mua với giá 80.000 đồng/kg.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày