Thứ 4, 02/04/2025, 02:28[GMT+7]

Điểm sáng phát triển nghề ở xã Hòa Bình

Thứ 2, 31/03/2025 | 08:46:19
2,231 lượt xem
Đưa nghề phụ về quê, HTX Dương Hiền, xã Hòa Bình (Kiến Xương) đã tạo việc làm ổn định cho nhiều người. Qua bàn tay của người lao động, thân bèo tây đã trở thành những sản phẩm thủ công bền, đẹp, thân thiện với môi trường, là những món hàng xuất ngoại đắt giá.

Hợp tác xã Dương Hiền sản xuất đa dạng sản phẩm.

Bà Trương Thị Hiền, Phó Giám đốc HTX Dương Hiền cho biết: Tôi biết nghề đan bèo tây từ bé và yêu nghề từ đó. Lớn lên tôi đi học và về làm giáo viên mầm non; mặc dù gắn bó với nghề giáo hơn 10 năm nhưng tôi vẫn luôn đau đáu với nghề đan bèo tây. Nhận thấy nghề đan bèo ngày càng phát triển, trong khi ở quê chồng xã Hòa Bình lại có nguồn lao động dồi dào nên tôi đã quyết định bỏ nghề giáo về quê mở cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Từ năm 2020 tới nay tôi đã tạo việc làm cho gần 1.000 lao động ở trong và ngoài tỉnh. Tháng 2 vừa qua, tôi thành lập HTX với mục đích đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho các thành viên và người lao động nông thôn.

Nhớ lại ngày đầu mở xưởng, bà Hiền chia sẻ: Lúc đó bà con trong xóm vui lắm, mọi người hầu như đều từ 55 tuổi trở lên kéo đến nhà tôi học nghề để kiếm thêm thu nhập. Tôi cứ mở hết lớp nọ đến lớp kia gối nhau tới khi bà con thành thạo nghề mới thôi. Nghề này rất phù hợp với người cao tuổi, nếu chịu khó, cần mẫn sẽ đạt thu nhập 100.000 đồng/ngày, nếu tranh thủ làm sẽ đạt bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.

Bà Vũ Thị Lý, 66 tuổi, thôn Việt Hưng cho biết: Trước đây chưa có nghề phụ, tôi chỉ tập trung làm nông nghiệp, đến giờ tôi vẫn cấy 1 mẫu lúa nhưng vẫn tranh thủ đan bèo tây, mỗi ngày chỉ ngồi khoảng 4 tiếng tôi cũng đan được từ 7 - 8 sản phẩm. Bình quân mỗi tháng tôi được gần 2 triệu đồng để chi tiêu hàng ngày. Nghề này cũng rất đơn giản, chỉ cần học vài ngày là mẫu gì tôi cũng đan được. Mừng nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nơi không có việc để làm thì tôi vẫn có việc đều, nhờ đó mà đời sống được cải thiện.

Bà Nguyễn Thị Toan, thôn Việt Hưng cho hay: Trước đây tôi chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng, từ khi có nghề phụ tôi bỏ luôn cấy lúa, tập trung thời gian vào đan bèo tây nên mỗi tháng cũng thu về 3 triệu đồng, có tháng đơn giá cao thu về hơn 4 triệu đồng. Nhờ đó, tôi rất yên tâm, phấn khởi làm nghề, mong HTX Dương Hiền ngày càng phát triển.

Bà Vũ Thị Thưa, thôn Trung Hòa chia sẻ: Ở độ tuổi 60 như tôi không có doanh nghiệp nào nhận làm mà lại có nghề phụ làm ở nhà nên rất mừng. Từ ngày có nghề đan bèo tây ở xã, cứ lúc rảnh rỗi tôi lại ngồi đan, mỗi tháng cũng được trên 1,5 triệu đồng.

Theo bà Trương Thị Hiền, làm nghề đan bèo tây thuận lợi nhất là nguồn nhân lực dồi dào, người dân cần cù, chịu khó, tuy nhiên cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, độ khéo tay mới đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng. Để bảo đảm sự phát triển ổn định, HTX đã liên kết với nhiều doanh nghiệp để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản. Ngoài ra, sản phẩm phải luôn bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ theo đúng yêu cầu của khách hàng. Trong quá trình làm có nhiều khó khăn, nhất là một số đơn hàng giá thấp, HTX đã phải chấp nhận bị lỗ, trả công cao hơn cho người dân để bảo đảm tiến độ giao hàng. Ngoài ra, HTX còn thu mua sản phẩm ở Ninh Bình, Thanh Hóa để da dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. Bình quân mỗi tháng HTX nhập từ 3 - 4 tấn bèo tây, thu về khoảng 10.000 sản phẩm các loại, đạt doanh thu trên 500 triệu đồng, trừ chi phí bình quân mỗi tháng thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng. Dự kiến thời gian tới HTX sẽ thuê mặt bằng mở rộng nhà xưởng sản xuất, hướng tới xuất khẩu trực tiếp sang thị trường nước ngoài.

Bà Mai Thị Hồng Huệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Bình khẳng định: HTX Dương Hiền là điểm sáng phát triển nghề ở địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều chị em phụ nữ lúc nông nhàn. Hội sẽ luôn đồng hành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HTX phát triển.

HTX Dương Hiền tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động ở xã Hòa Bình.

Thu Thủy