Thứ 3, 26/11/2024, 01:29[GMT+7]

Điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV

Thứ 2, 22/08/2022 | 08:24:29
1,203 lượt xem
So với người chỉ nhiễm viêm gan C (VGC) thì người đồng nhiễm VGC và HIV có thể làm tăng quá trình tiến triển bệnh dẫn đến xơ gan. Để giúp người đồng nhiễm HIV/VGC có cơ hội điều trị miễn phí VGC, dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã có những hỗ trợ kịp thời, giúp người bệnh cải thiện sức khỏe, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người nhiễm HIV được tư vấn sức khỏe.

Phát hiện nhiễm HIV cách đây 2 năm, gần đây anh P.T.P, xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) được các bác sĩ tư vấn đi xét nghiệm miễn phí sàng lọc Anti-HCV. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh bị VGC. Đồng nhiễm HIV, VGC khiến anh mệt mỏi, chán ăn, sức khỏe suy giảm. Sau khi được khám, tư vấn và uống thuốc miễn phí gần 3 tháng nay, sức khỏe của anh P.T.P đã có những tiến triển tích cực. 

Anh P.T.P chia sẻ: Qua tham khảo tôi biết rằng kinh phí điều trị VGC khá tốn kém. Vì thế, khi được cơ sở y tế khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí tôi rất mừng. Gần 3 tháng nay được cấp thuốc uống miễn phí, tôi thấy sức khỏe tốt hơn, ăn ngon, ngủ được, đi làm việc bình thường. Chúng tôi rất cảm ơn các cơ quan, tổ chức đã quan tâm giúp đỡ đồng thời mong muốn các cơ quan, tổ chức tiếp tục hỗ trợ để những bệnh nhân như chúng tôi được tiếp cận những dịch vụ y tế tốt hơn.

VGC gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong do các biến chứng nguy hiểm như: suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan. VGC lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Tình trạng đồng nhiễm VGC ở người nhiễm HIV có thể tăng quá trình tiến triển đến xơ gan hơn so với người chỉ nhiễm VGC. Ngay cả ở những người đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan vẫn cao ở người đồng nhiễm HIV/VGC. Hiện nay, tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV đã giảm đáng kể do việc mở rộng điều trị thuốc ARV. Tuy nhiên, ở các trường hợp đồng nhiễm HIV/VGC, tỷ lệ tử vong không có xu hướng giảm do người bệnh hạn chế tiếp cận với điều trị thuốc VGC.

Bác sĩ Bùi Thị Hồng Vân, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Không phải bệnh nhân HIV nào cũng có điều kiện để tham gia điều trị VGC. Vì vậy, khi được dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ kinh phí điều trị cho bệnh nhân đồng nhiễm HIV/VGC sẽ góp phần giúp bệnh nhân được cải thiện sức khỏe, cuộc sống, đồng thời tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Hiện nay, bệnh VGC mạn tính đã có thuốc điều trị khỏi với tỷ lệ đạt ức chế virus tới trên 97%. Tại Thái Bình, việc điều trị cho bệnh nhân HIV, VGC có nhiều thuận lợi như: sự phối hợp giữa trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố trong công tác xét nghiệm, tư vấn, chuyển gửi bệnh nhân điều trị VGC; sự hỗ trợ của dự án Quỹ toàn cầu về tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, chi phí xét nghiệm tải lượng và thuốc điều trị và sự nhiệt tình của các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác điều trị cho người bệnh. Sau khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tải lượng virus VGC trên ngưỡng phát hiện sẽ được chuyển điều trị VGC tại bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện trong 3 tháng. Mỗi tháng đến tái khám và nhận thuốc 1 lần. Sau khi kết thúc điều trị 12 tuần, bệnh nhân được làm lại xét nghiệm tải lượng virus VGC để đánh giá hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, do chưa có sinh phẩm xét nghiệm nguồn bảo hiểm y tế, chi phí xét nghiệm cao, bệnh nhân không đủ khả năng tự chi trả nên chưa có ai được thực hiện xét nghiệm này.

Năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo bệnh viêm gan virus không thể chờ đợi; kêu gọi các quốc gia tăng cường những nỗ lực hướng tới mục tiêu đến năm 2030 loại trừ bệnh. Tại Thái Bình, dự án Quỹ toàn cầu đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho người đồng nhiễm HIV/VGC. Cụ thể, năm 2021 dự án đã hỗ trợ thuốc và chi trả xét nghiệm tải lượng virus VGC cho 68 người bệnh đồng nhiễm VGC/HIV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Năm 2022, toàn tỉnh có 258 người bệnh được hỗ trợ thuốc và chi phí mua dịch vụ xét nghiệm tải lượng virus VGC cho người bệnh đồng nhiễm VGC/HIV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS và người bệnh VGC đang điều trị Methadone.

Bác sĩ Bùi Thị Hồng Vân cho biết thêm: Khó khăn trong điều trị là bệnh nhân đi làm xa, không có khả năng quay lại tái khám 1 tháng/lần nên tỷ lệ điều trị của bệnh nhân chưa cao; bệnh nhân phải đi lại xa để thực hiện xét nghiệm tải lượng virus VGC. Nhiều bệnh nhân sau khi được hỗ trợ xét nghiệm nhưng vẫn không đến điều trị. Do đó, để giảm tỷ lệ người đồng mắc và nâng cao tỷ lệ điều trị khỏi, thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục tuyên truyền tư vấn về VGC để người bệnh có nhận thức đúng, đủ về dự phòng lây nhiễm và hiệu quả sau khi điều trị; truyền thông về hiệu quả điều trị VGC cho nhóm nguy cơ cao, nhất là nhóm người bệnh HIV/AIDS và nhóm nghiện chích ma túy. Tư vấn những bệnh nhân điều trị VGC về việc tăng cường tuân thủ điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất; tập huấn cho cán bộ y tế của các cơ sở điều trị về điều trị HIV.

Hoàng Lanh