Thứ 4, 16/10/2024, 04:55[GMT+7]

4.0 trong công tác hội phụ nữ

Thứ 5, 25/08/2022 | 08:32:05
6,211 lượt xem
Bắt nhịp xu thế thời đại công nghệ số, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc và thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm công tác hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) sử dụng phần mềm quản lý hội viên.

“Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội” được Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh xác định là 1 trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các cấp hội đã tổ chức tuyên truyền tới cán bộ, hội viên về tinh thần và những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số; tổ chức các cuộc thi online phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở từng thời điểm; triển khai nhiệm vụ qua hệ thống zalo, facebook, họp trực tuyến... Hội LHPN tỉnh cũng triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cấp hội giai đoạn 2022 - 2026.

Tháng 11/2021, Hội LHPN xã Đông Phong được Hội LHPN huyện Tiền Hải chọn làm điểm thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của hội. Theo đó, Ban Chấp hành Hội LHPN xã thành lập nhóm zalo, mỗi chi hội có 1 - 2 nhóm hội viên nòng cốt từ 20 - 25 thành viên. Các nhóm zalo hoạt động với nguyên tắc chỉ sử dụng cho công việc, các thành viên phải tương tác khi có thông tin triển khai. Riêng việc quản lý hội viên được thực hiện trên phần mềm. 

Theo chị Vũ Thị Thự, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Phong: Trước đây, khi quản lý hội viên qua sổ sách, giấy tờ dễ dẫn đến nhầm lẫn, sai sót, đến nay việc ứng dụng phần mềm này tạo thuận lợi trong việc thống kê và quản lý số lượng, thông tin hội viên nhanh chóng, chính xác hơn. Việc triển khai hoạt động hội qua nhóm zalo cũng bảo đảm kịp thời hơn.

Theo thông tin từ Hội LHPN tỉnh, hiện nay, một số hội LHPN các huyện, thành phố và cơ sở xây dựng được các tài khoản, fanpage trên facebook, các nhóm zalo... để thông tin, chia sẻ hoạt động. Ngoài ra, hầu hết các chi hội có nhóm zalo riêng để thông tin về những hoạt động, văn bản chỉ đạo của các cấp. Đặc biệt, trước đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các cấp hội tận dụng hiệu quả nền tảng công nghệ để tuyên truyền việc phòng, chống dịch bệnh; kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản; kết nối giải quyết việc làm cho lao động nữ bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... Các công trình, phần việc được tuyên truyền rộng rãi trên trang thông tin điện tử của hội và mạng xã hội zalo, facebook như: “Triệu phần quà - San sẻ yêu thương”, “Mẹ đỡ đầu”, “Biến rác thải thành tiền”... 

Chị Vũ Thị Liễu, Chủ tịch Hội LHPN xã Dương Phúc (Thái Thụy) cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp các cấp hội tiết kiệm được chi phí, đối tượng cần tuyên truyền được tiếp cận nhiều hơn. Các hoạt động cụ thể của hội dễ tạo sự lan tỏa như: Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, xây dựng con đường hoa, quyên góp ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn, hay các hội thi: “Dân vũ thể thao” trực tuyến, “Bữa cơm gia đình, ấm áp yêu thương”...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các nền tảng trực tuyến đã trở thành công cụ hữu hiệu nhằm đa dạng kênh tập hợp phụ nữ, thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục. Song, để việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hội thực sự hiệu quả, đòi hỏi mỗi cán bộ, hội viên cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận; các cấp hội có kế hoạch, giải pháp cụ thể, lâu dài gắn với tăng cường tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên... Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hội, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.


Xuân Phương