Thứ 6, 22/11/2024, 14:48[GMT+7]

"Mặt trận làm cho Đảng hiểu được lòng dân"

Thứ 6, 26/08/2022 | 08:19:45
745 lượt xem
Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận phải nhận thức rõ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt Mặt trận phải quyết tâm làm những việc mà chỉ có Mặt trận mới làm được, đó là gần gũi, sâu sát với các tầng lớp nhân dân để phản ảnh ý kiến, kiến nghị tới Đảng, làm cho Đảng hiểu được lòng dân.

Quang cảnh Hội thảo.

Ngày 25/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam”.

Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đại biểu là nguyên lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ và đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam 14 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Kế thừa, phát triển, đổi mới phải phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, cùng với quá trình đổi mới đất nước, hệ thống MTTQ Việt Nam đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với giai đoạn cách mạng mới; theo đó, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nói chung và cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam nói riêng tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, từng bước nâng cao về chất lượng hoạt động, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Đảng đoàn, Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, bên cạnh những ưu điểm, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Cơ quan ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã bộc lộ một số hạn chế, tồn tại như: Chưa có văn bản của Cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam làm cơ sở pháp lý trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng như triển khai các mối quan hệ phối hợp công tác.

Cùng với đó, một số chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam 2015 chưa được cụ thể hóa thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam để tổ chức thực hiện; Chức năng, nhiệm vụ của một số ban, đơn vị của Cơ quan chưa quy định rõ và đang có sự chồng lấn; một số nhiệm vụ quan trọng nhưng chưa có ban chuyên môn chuyên trách nào theo dõi thực hiện; một số nhiệm vụ còn giao cho nhiều đơn vị cùng thực hiện, chưa rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp; Chưa phát huy được hiệu quả của các Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam …

Xuất phát từ thực tế nêu trên, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về “Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc...”, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã chủ trì xây dựng Đề án, để trình Bộ Chính trị ban hành “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam".

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt phát biểu tại Hội thảo. 

Đề án nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam; Tổ chức bộ máy cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam phải đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Đảng đoàn, Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực hoàn thành chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ MTTQ Việt Nam; đồng thời kế thừa, phát triển, đổi mới tổ chức bộ máy phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới, khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, đồng thời phát huy được những mặt tích cực của mô hình tổ chức bộ máy trong giai đoạn vừa qua; …

Nhấn mạnh đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam” có nội dung hết sức quan trọng, góp phần đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn tiếp thu được nhiều ý kiến tham gia góp ý từ các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, các vị nguyên là lãnh đạo của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ để Ban Thường trực tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án để trình Bộ Chính trị.

Quyết tâm làm những việc mà chỉ có Mặt trận mới làm được

Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, tên gọi của các ban, đơn vị tham mưu trực thuộc cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam. Trong đó tập trung thảo luận về tên gọi và chức năng, nhiệm vụ của một số Ban, đơn vị như: đối với Ban Phong trào có 2 phương án tên gọi là “Ban vận động xã hội” hoặc “Ban xây dựng cộng đồng”; Ban Tuyên giáo theo phương án giữ nguyên tên gọi “Ban Tuyên giáo” hoặc đổi tên thành “Ban Tuyên truyền”; đối với Ban Dân tộc và Ban Tôn giáo có 2 phương án là giữ nguyên như hiện nay hoặc sát nhập thành 1 ban: Ban Dân tộc - Tôn giáo;…

Khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, MTTQ Việt Nam giữ vai trò tập hợp đoàn kết nhân dân, giúp Đảng xây dựng lực lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận phải nhận thức rõ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt Mặt trận phải quyết tâm làm những việc mà chỉ có Mặt trận mới làm được, đó là gần gũi, sâu sát với các tầng lớp nhân dân để phản ảnh ý kiến, kiến nghị tới Đảng, làm cho Đảng hiểu được lòng dân.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo.

Nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nên tập trung vào những nhiệm vụ mà nhân dân mong mỏi nhất đó là kinh tế xã hội phát triển, tham nhũng tiêu cực ít đi, ông Phạm Thế Duyệt cũng cho rằng, MTTQ Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức thành viên để quan tâm nắm bắt tình hình nhân dân ở khu dân cư, từ đó tạo được sự thống nhất về nhận thức để nhân dân hiểu Đảng, hiểu Mặt trận và Đảng cũng có cơ sở để hiểu dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, cần thể chế hóa những điều được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của các Ban chuyên môn. Đề án cũng cần đánh giá rõ nội dung điều 37 của Luật MTTQ Việt Nam và điều 11 - điều lệ MTTQ Việt Nam để đảm bảo sự thống nhất với hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng quy định về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Đồng chí Hầu A Lềnh mong muốn bên cạnh việc hoàn thiện, pháp lý hóa bộ máy chuyện trách thì hoạt động của bộ máy giúp việc thông qua các Hội đồng tư vấn cũng cần được hoàn thiện. Bởi lẽ trong thực tiễn hoạt động của các Hội đồng này là rất cần thiết, đây là cơ chế để tập hợp, huy động trí tuệ và sự đóng góp của các tầng lớp trí thức…

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, các ý kiến đại biểu nhấn mạnh tới mỗi nhiệm vụ được đề cập tại Luật MTTQ Việt Nam đều được giao cho một ban tham mưu đảm nhiệm và các ban khác cùng phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng đoàn, Ban Thường trực giao phó.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Cơ quan, Ban Công tác phía Nam, Ban Đối ngoại – Kiều bào, Ban Tổ chức – Cán bộ, 3 cơ quan báo chí của MTTQ Việt Nam: Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận, Báo Người Công giáo. Đối với Ban Tuyên giáo sẽ giữ nguyên tên gọi và bổ sung thêm một số nhiệm vụ; Ban Dân chủ - Pháp luật giữ nguyên tên gọi và đảm nhiệm một số nhiệm vụ như tham mưu các văn bản góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước; tập hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân; thực hiện các nhiệm vụ về công tác bầu cử.

“Để đáp ứng yêu cầu giám sát, phản biện xã hội trong giai đoạn hiện nay, ý kiến đại biểu đề nghị thành lập Ban giám sát, phản biện xã hội để thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và nhân dân giao phó. Đối với Ban Phong trào dự kiến đổi tên thành Ban Vận động xã hội và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học sẽ triển khai đề án để thành lập Học viện MTTQ Việt Nam”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết.

Từ những ý kiến tham luận của đại biểu tham dự Hội thảo, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện Đề án nhằm bảo đảm theo đúng tinh thần Cương lĩnh chính trị và những quy định tại Luật MTTQ Việt Nam trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, phê duyệt./.

Theo dangcongsan.vn