Chủ nhật, 24/11/2024, 12:25[GMT+7]

Ký ức những ngày “Đón thương binh về làng”

Thứ 6, 26/08/2022 | 08:27:58
5,174 lượt xem
Năm 1951, Bác Hồ đề xuất phong trào “Đón thương binh về làng” và đề nghị mỗi xã trích một phần ruộng công, tổ chức cày cấy, chăm nom gặt hái, thu hoạch thóc lúa để nuôi thương binh. Làm tốt việc này, bà con các xã được thỏa lòng báo đáp thương binh; giúp anh em sống yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần, đồng thời có điều kiện tham gia hoạt động công tác xã hội.

Ngôi nhà của cụ Đặng Văn Huyên (đã được xây dựng lại), xã Quang Trung (Kiến Xương) từng là nơi nuôi dưỡng thương binh nặng.

Để giải quyết đời sống cho thương binh, bảo đảm cho tổ chức quân đội được gọn nhẹ, tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu, Chính phủ có chủ trương đưa thương binh không thể tiếp tục chiến đấu trong quân đội giải ngũ về địa phương hoặc chuyển về nuôi dưỡng ở các trại an dưỡng. Tháng 7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Đón thương binh về làng”. Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh, Bác viết: “Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Song đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng. Mỗi xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung mà đón một số anh em thương binh”. Từ đây, việc đón thương binh về địa phương được xúc tiến mạnh mẽ trong cả nước.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng trong tâm trí của cụ Đặng Văn Huyên, xã Quang Trung (Kiến Xương) không thể nào quên những ngày cả xã Quang Trung tưng bừng khí thế đón thương binh về làng vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Lúc bấy giờ, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, xã Quang Trung là một trong những địa phương thực hiện phong trào đón thương binh nặng về chăm sóc. Rất nhiều thương binh nặng từ khắp các chiến trường đã về đây để người dân chăm sóc, nuôi dưỡng. 

Cụ Huyên cho biết: Lúc ấy, cơ sở chính đón các thương binh là đình làng Thượng Phúc. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất có hạn và cũng để tránh địch đánh bom thì các thương binh nặng được sơ tán xuống các gia đình ở trong xã. Mặc dù điều kiện kinh tế lúc bấy giờ còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đều tạo điều kiện hết mức để các thương bệnh binh nặng được chăm sóc đầy đủ, chu đáo. Với người dân xã Quang Trung khi ấy, việc được đón các thương binh nặng không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự khi địa phương được chăm sóc những người đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Gia đình cụ Huyên khi ấy rất khó khăn nhưng cũng đã chăm sóc nhiều thương binh nặng.

Những năm tháng sống và làm việc tại Trại thương binh nặng Quang Trung là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với ông Bùi Ngọc Tựa (người bên trái).

Năm 1970, xã Quang Trung được chọn làm nơi đặt Trại thương binh nặng để chăm sóc, nuôi dưỡng những người bị thương trở về từ chiến trường. Hơn 30 năm gắn bó với Trại thương binh nặng Quang Trung, ông Bùi Ngọc Tựa không bao giờ quên những ngày công tác ở đây để chăm sóc cho các thương binh nặng. Mặc dù cơ sở vật chất, nhân lực lúc đầu thiếu thốn đủ bề nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đây đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc chu đáo cho những thương binh nặng. 

Ông Tựa tâm sự: Bấy giờ hầu hết thương binh trở về từ chiến trường đều có sức khỏe yếu, tình trạng bệnh tật phức tạp, đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Những người về đây đa số đều phải chuyển lên tuyến trên điều trị, do đó bất kể ngày hay đêm, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trại luôn dành sự quan tâm, chăm sóc các thương binh nặng bằng tất cả ân tình và trách nhiệm, giúp họ vơi đi nỗi đau, sớm được trở về với gia đình. Trải qua nhiều lần đổi tên và sáp nhập, đến nay Trại thương binh nặng Quang Trung đã được chuyển về xã Minh Quang (Vũ Thư) với tên gọi Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công (cơ sở 2). Đất nước phát triển, cơ sở vật chất, con người của Trung tâm hiện nay đã khang trang, đầy đủ hơn nhưng kỷ niệm về những năm tháng sống và làm việc trong thời kỳ đất nước còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn có lẽ sẽ theo ông Tựa và những người cùng thế hệ với ông suốt cuộc đời.  

Suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng phong trào “Mùa đông binh sĩ”, “Giúp binh sĩ bị thương”, nhân dân Thái Bình đã tích cực quyên góp tiền mua thuốc, vật dụng tặng bộ đội và chiến sĩ bị thương. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện tốt chế độ “Hưu bổng thương tật” đối với thương binh và “Chế độ tiền tuất” đối với gia đình liệt sĩ; ưu tiên chia công điền, công thổ cho thương binh và gia đình liệt sĩ. Nhiều cuộc vận động chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ do trung ương phát động như thành lập “Hội mẹ chiến sĩ”, “Đón thương binh nặng về làng” đã được nhân dân trong tỉnh hưởng ứng và thực hiện có kết quả tốt đẹp.

Chiến tranh đã lùi xa, từ phong trào “Đón thương binh về làng” do Bác Hồ phát động, Thái Bình luôn thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đó là sự tri ân to lớn đối với thế hệ đã hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.


Duy Tùng