Thứ 4, 26/06/2024, 23:04[GMT+7]

Sẵn sàng cho năm học mới

Thứ 3, 30/08/2022 | 08:07:22
1,588 lượt xem
Chỉ còn ít ngày nữa tiếng trống khai trường sẽ rộn ràng vang lên ở tất cả các cơ sở giáo dục. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai những công việc cuối cùng nhằm chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, ổn định đội ngũ nhà giáo trước thềm năm học mới.

Dãy nhà mới khang trang được Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Thái Bình) đưa vào sử dụng trong năm học mới.

Năm học mới này, huyện Hưng Hà có 130 cơ sở giáo dục với trên 47.000 học sinh. Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học, đến thời điểm này hầu hết các trường trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn tất các khâu chuẩn bị từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến việc ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, huy động học sinh đến lớp, sẵn sàng đón chào năm học mới với mục tiêu tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Ông Đinh Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Hưng Hà xác định 3 đột phá phát triển giáo dục là: Nâng cao chất lượng dinh dưỡng học đường, rèn luyện thể lực cho học sinh; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Theo đó, cùng với việc huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa, huyện thực hiện cơ chế hỗ trợ 30% ngân sách cấp huyện được hưởng cho ngân sách cấp xã, xã sử dụng tối thiểu 30% phần ngân sách cấp xã được hưởng từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất giáo dục. Nhờ đó, trước thềm năm học mới tỷ lệ phòng học kiên cố trên toàn huyện được nâng cao, chiếm 94,06%, trong đó có 16 phòng học, 4 phòng bộ môn, 15 phòng quản trị và một số công trình phụ trợ được xây mới. Huyện cũng đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thông qua việc cử 29 viên chức đi học trung cấp lý luận chính trị, 16 viên chức đi học thạc sĩ và 200 viên chức học đại học. Đây là cơ sở quan trọng giúp toàn ngành sẵn sàng bước vào năm học mới.

Là địa phương có tỷ lệ phòng học kiên cố cao nhất tỉnh (đạt 100%), thời gian qua, thành phố Thái Bình luôn quan tâm đầu tư từng bước theo hướng hiện đại và đồng bộ cơ sở vật chất trường học nhằm giảm bớt số trường bị thiếu phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh... 

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố chia sẻ: Năm học 2021 - 2022, thành phố đầu tư trên 197 tỷ đồng xây dựng mới 88 phòng học, 28 phòng chức năng, nhà hiệu bộ, nhà đa năng; xây mới, cải tạo, sửa chữa 14 công trình vệ sinh trường học. Quy hoạch và có chủ trương đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Tiền Phong và Trường Tiểu học Phúc Khánh về khu mới để bảo đảm diện tích đất đạt chuẩn. Các đơn vị trong toàn ngành đã đầu tư kinh phí từ các nguồn khác nhau với số tiền trên 10 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại như ti vi, bảng tương tác thông minh, bảng từ, hệ thống loa... bảo đảm đáp ứng chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, thành phố đã tuyển dụng thêm 133 giáo viên cho cấp học mầm non, điều chuyển giáo viên giỏi từ trường thừa về trường thiếu, từ trường đông học sinh về trường ít học sinh để thu hút học sinh nhằm giảm bớt sĩ số học sinh trên lớp ở một số trường nội thành. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới cơ bản hoàn tất, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ toàn ngành đã đề ra.

Các cơ sở giáo dục được đầu tư hơn 203 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và xã hội hóa giáo dục để tăng cường trang thiết bị dạy học.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 và chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, trong năm 2022, nguồn ngân sách sự nghiệp đã bố trí 158 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư công 64 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phân bổ 81 tỷ đồng cho các cơ sở giáo dục để sửa chữa, bảo dưỡng các công trình trường học. Các địa phương đã huy động từ nguồn ngân sách huyện, xã và xã hội hóa giáo dục được 464 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng 567 phòng học, phòng chức năng và xây mới 52 công trình vệ sinh đúng quy chuẩn. Về trang thiết bị dạy học, nguồn vốn mục tiêu của tỉnh phân bổ để mua sắm là 144 tỷ đồng, cao hơn 66 tỷ đồng so với năm 2021; các trường đã xã hội hóa được trên 59 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học. Trước thềm năm học mới, các phòng học có đủ điện sáng, quạt mát, bàn ghế, bảng đúng quy định; đã có gần 17% số phòng học được lắp điều hòa nhiệt độ; gần 90% phòng học lớp 1, lớp 2 và 40% phòng học lớp 6 có các thiết bị trình chiếu. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bên cạnh cơ sở vật chất, ngành đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhất là đội ngũ nhà giáo tham gia giảng dạy chương trình GDPT 2018. Trong năm học, toàn tỉnh đã tuyển dụng được 374 giáo viên, trong đó 328 giáo viên mầm non, 31 giáo viên tiểu học, 3 giáo viên giáo dục thường xuyên và 12 giáo viên THPT. Thái Bình nằm trong tốp đầu các tỉnh đồng bằng sông Hồng trong việc triển khai bồi dưỡng chương trình GDPT 2018.

Một năm học mới sắp bắt đầu với nhiều kỳ vọng. Tin tưởng trong năm học này thầy và trò toàn tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy hơn nữa trí tuệ, bản lĩnh, đẩy mạnh thi đua dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, góp phần ươm những mầm xanh tương lai của đất nước.

Đặng Anh