Thứ 4, 15/01/2025, 06:58[GMT+7]

Đề xuất bàn giao một số cụm công nghiệp do UBND cấp huyện quản lý cho nhà đầu tư hạ tầng

Thứ 3, 06/09/2022 | 15:50:56
5,342 lượt xem
Sáng ngày 6/9, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Công Thương báo cáo tình hình đầu tư hạ tầng và phương án xử lý các cụm công nghiệp (CCN) do UBND cấp huyện đang quản lý. Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Hiện nay tỉnh Thái Bình có 28 CCN do UBND cấp huyện quản lý một phần hoặc toàn bộ. Phần lớn các CCN này không được đầu tư hạ tầng, chưa đáp ứng yêu cầu về quy hoạch và xử lý ô nhiễm môi trường; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, nhiều dự án chậm triển khai thực hiện... Trước những bất cập đó, Sở Công Thương đề xuất một số phương án xử lý: 6 CCN giữ nguyên hiện trạng, khi hết thời hạn thuê đất của doanh nghiệp sẽ bỏ ra khỏi CCN hoặc sẽ di dời đến CCN khác vì thay đổi quy hoạch thì giao UBND cấp huyện tiếp tục quản lý, khai thác, vận hành các CCN này; 17 CCN có thể bàn giao cho nhà đầu tư hạ tầng tiếp nhận để đầu tư xây dựng hạ tầng; các CCN còn lại giao cho UBND cấp huyện đầu tư hạ tầng, quản lý và khai thác toàn bộ hạ tầng.

Lãnh đạo Sở Công Thương báo cáo phương án xử lý các CCN do UBND cấp huyện quản lý. 

Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh khẳng định các CCN trên địa bàn tỉnh rất quan trọng đối với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các địa phương, quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường. Việc đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại và quản lý tốt nhằm phục vụ thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh.

 Đại diện UBND huyện Kiến Xương góp ý kiến tại cuộc họp. 

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh giao Sở Công Thương tiếp tục làm rõ căn cứ pháp lý trên cơ sở quy hoạch phát triển, nhu cầu đầu tư, công tác quản lý, bảo đảm đủ các tiêu chuẩn về hạ tầng, môi trường và các điều kiện khác để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, tăng cường thu hút đầu tư. Thống nhất phương án xử lý chia làm 3 nhóm gồm nhóm thứ nhất bỏ ra khỏi quy hoạch một số CCN, nhóm thứ hai giao cho nhà đầu tư hạ tầng và nhóm thứ ba giao cho UBND huyện quản lý, đầu tư toàn bộ. Sở Công Thương cần xây dựng lộ trình thực hiện xử lý đối với từng nhóm CCN. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn quản lý tài sản công, tài sản doanh nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai của các dự án. Về cơ chế chính sách theo hướng tỉnh cùng với huyện sử dụng vốn ngân sách và huy động các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đối với 5 CCN được giao cho UBND cấp huyện quản lý toàn bộ. Các sở, ngành cần chủ động báo cáo, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan làm rõ tính pháp lý và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc bàn giao CCN cho nhà đầu tư hạ tầng quản lý, đầu tư, khai thác; nghiên cứu cơ chế, chính sách quản lý doanh nghiệp đang hoạt động tại các CCN không còn trong quy hoạch chặt chẽ theo quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp. Sở Công Thương tiếp thu ý kiến của các sở, ngành, địa phương vào phương án xử lý và sớm hoàn tất báo cáo để trình cuộc họp các thành viên UBND tỉnh cho ý kiến thống nhất triển khai.

Khắc Duẩn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày