Thứ 6, 22/11/2024, 22:14[GMT+7]

Tạo việc làm từ may gia công xuất khẩu

Thứ 5, 08/09/2022 | 08:59:46
3,097 lượt xem
Ở xã Thái Giang (Thái Thụy) hiện có hàng chục cơ sở tiểu thủ công nghiệp, không những nâng cao thu nhập, đời sống gia đình mà còn góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Xưởng may gia công của vợ chồng anh Trần Đức Thản, chị Phạm Thị Nhâm, thôn Hạ Liệt là một điển hình.

Cơ sở may gia công của anh Trần Đức Thản, xã Thái Giang (Thái Thụy) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Sau những năm bươn chải với nhiều nghề, anh Thản nhận thấy tiềm năng lao động nông thôn cũng như nhu cầu thị trường về sản phẩm may mặc. Từ năm 2016, được sự giúp đỡ của gia đình, anh em, bạn bè, vợ chồng anh đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng may tại nhà, chủ yếu gia công các loại áo khoác mùa đông.

Hành trình đến với nghề của vợ chồng anh Thản gặp khá nhiều gian nan. Khó khăn nhất thời gian đầu là vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ, kinh nghiệm thương trường. Hơn nữa, vào mùa vụ, lao động không đều, tiến độ sản xuất chậm nên không kịp xuất hàng cho đối tác. Và do chỉ làm  gia công nên nguồn hàng, việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty lớn; có những đơn hàng 3 - 4 tháng mới được quyết toán. Những lúc đó, vợ chồng anh Thản phải chạy vạy khắp nơi để trả lương cho công nhân đúng hạn.

Tuy nhiên, vốn là người cẩn thận, chăm chỉ, lại kiên trì và có ý chí vượt khó nên anh Thản đã dần đứng vững và đi đến thành công. Anh chia sẻ: Ngoài việc nắm bắt thị hiếu của khách hàng, liên hệ tìm đối tác, tôi tập trung khuyến khích, động viên, hướng dẫn người lao động nâng cao tay nghề. Mọi sản phẩm trước khi xuất xưởng đều được kiểm tra kỹ lưỡng, loại bỏ những sản phẩm không đạt yêu cầu. Do vậy, từ chỗ sản phẩm ban đầu chỉ đáp ứng về kỹ thuật thì đến nay đã đáp ứng tốt về yêu cầu thẩm mỹ, tạo được niềm tin với đối tác.

Vượt qua khó khăn của quá trình khởi nghiệp, hiện nay xưởng may gia công của vợ chồng anh Thản mỗi ngày xuất xưởng từ 100 - 120 chiếc áo khoác. Doanh thu mỗi năm gần 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 25 lao động địa phương. 

Anh Cao Văn Tỉnh, thôn Hạ Liệt cho biết: Công việc của tôi vừa cắt vải vừa đóng cúc, việc làm và thu nhập hàng tháng rất đều, từ 4,5 - 5 triệu đồng. Tôi mong cơ sở phát triển rộng hơn để tạo việc làm cho nhiều người nữa.
Ngoài tạo điều kiện cho anh chị em làm việc tại xưởng may, vợ chồng anh Thản xem công nhân như người thân, động viên giúp đỡ họ khi khó khăn hoặc những ngày lễ, tết. 

Chị Nguyễn Thị Vân chia sẻ: Chị em có con nhỏ như chúng tôi được vợ chồng anh Thản tạo điều kiện sắp xếp công việc ổn định, phù hợp để vừa sản xuất vừa có điều kiện chăm lo cho con cái nên chúng tôi rất yên tâm và gắn bó với cơ sở.

Với quan điểm “Ly nông bất ly hương”, vợ chồng anh Thản, chị Nhâm là điển hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất tại xã Thái Giang, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. 

Bà Trần Thị Huyền, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hạ Liệt cho biết: Vợ chồng anh Thản đã thành lập xưởng may nhiều năm, tạo việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài thôn. Ngoài nâng cao thu nhập, cơ sở của gia đình anh bảo đảm tốt công tác vệ sinh môi trường cũng như phòng cháy, chữa cháy. Chúng tôi đang tập trung tuyên truyền nhân rộng nhiều mô hình khác để tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.  

Lê Lan
(Đài TTTH Thái Thụy)