Thứ 2, 23/12/2024, 01:27[GMT+7]

60 năm thành lập Học viện Báo chí và Tuyên truyền Là trường Đảng, trường đại học trọng điểm của cả nước

Thứ 7, 10/09/2022 | 16:31:44
2,390 lượt xem
Kể từ ngày thành lập đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trải qua nhiều lần bổ sung chức năng, nhiệm vụ, với những tên gọi khác nhau phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng. Các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, đạt nhiều thành tựu, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc và sự phát triển chung của đất nước Việt Nam.

Sinh viên báo chí thực hành tại hệ thống studio và trường quay ảo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tiền thân là Trường Tuyên giáo Trung ương được thành lập ngày 16/1/1962 theo Nghị quyết số 36/NQ-TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa III, có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo ở Trung ương và địa phương.

Trải qua 60 năm, kể từ ngày thành lập đến nay, tuy có nhiều lần bổ sung chức năng, nhiệm vụ, với nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, song Học viện Báo chí và Tuyên truyền vẫn luôn là trường Ðảng, đồng thời là trường đại học trọng điểm thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Hiện nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, cán bộ làm công tác tuyên giáo, công tác xây dựng Ðảng và chính quyền nhà nước; đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ngành báo chí, tuyên truyền, truyền thông và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác. Học viện cũng là cơ sở nghiên cứu khoa học về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, báo chí, truyền thông nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và góp phần vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với tổng số 391 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó cán bộ giảng dạy, nghiên cứu chiếm hơn 62,66% với 30 phó giáo sư, 102 tiến sĩ và 210 thạc sĩ và đội ngũ học viên, sinh viên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc và sự phát triển chung của đất nước.

Một trong những thành tựu hàng đầu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền là công tác đào tạo, bồi dưỡng. Trong 60 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí-truyền thông, trong đó có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở hệ thống các trường Ðảng, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo của các tổ chức chính trị-xã hội và hàng nghìn phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác truyền thông, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền thông trong cả nước.

Ðội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo, bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao. Nhiều người trong số đó đã trở thành lãnh đạo chủ chốt, nhà khoa học đầu đàn, các nhà giáo có uy tín, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi... Không chỉ đào tạo cán bộ trong nước, nhiều năm qua, Học viện còn đào tạo hàng nghìn sinh viên đại học, học viên cao học, thực tập sinh và nghiên cứu sinh đến từ các nước như: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc theo các hiệp định song phương giữa Ðảng, Chính phủ Việt Nam và các nước.

Trong giai đoạn phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, Học viện ý thức rõ trách nhiệm nặng nề nhưng vẻ vang của mình, đã mở rộng và phát triển các ngành, chuyên ngành, quy mô đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị và nhu cầu nhân lực cho xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ðảng và Nhà nước giao cho.

Hiện nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đào tạo đại học 41 ngành, chuyên ngành, mỗi năm tuyển sinh 2.400 sinh viên (trong đó có một ngành liên kết quốc tế), năm chương trình đào tạo chất lượng cao; đào tạo 20 chuyên ngành thạc sĩ, mỗi năm tuyển sinh hơn 450 học viên; đào tạo bảy ngành tiến sĩ, mỗi năm tuyển sinh từ 50 đến 70 nghiên cứu sinh.

Các ngành, chuyên ngành đào tạo của Học viện luôn gắn với nhu cầu xã hội, trong đó có những ngành chỉ được đào tạo duy nhất hoặc đầu tiên tại Học viện như: Công tác tư tưởng, Quản lý hoạt động tư tưởng-văn hóa, Xuất bản, Báo mạng điện tử, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Thông tin đối ngoại, Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện...

Cùng với đào tạo, bồi dưỡng, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng là nhân tố quan trọng khẳng định vị thế về tầm vóc của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. 60 năm qua, Học viện đã triển khai nghiên cứu hàng nghìn đề tài các cấp.

Số lượng đề tài tăng dần theo từng năm, phục vụ kịp thời các mục tiêu: Tham gia tổng kết thực tiễn, góp phần phát triển lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, nhằm xây dựng căn cứ để hoạch định chính sách phát triển; nâng cao chất lượng đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu nghiên cứu, học tập...

Ðây là những hướng nghiên cứu được ưu tiên hàng đầu của Học viện; các đề tài khoa học của sinh viên, một mặt, củng cố và trau dồi tri thức, mặt khác, góp phần phát triển tư duy khoa học và rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

Cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của Học viện đã công bố hàng nghìn bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế, trong đó có không ít bài có giá trị cao cả về lý luận lẫn thực tiễn; tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế… thu hút sự tham dự của nhiều nhà khoa học quốc tế đến từ Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ðức, Thụy Ðiển, Anh, Pháp, Áo…

Ðáng chú ý, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng từng bước thiết lập quan hệ với các đối tác quốc tế nhằm tiếp cận những thành tựu phong phú và đa dạng của nhân loại, trên cơ sở đó, lựa chọn những giá trị tinh hoa, phù hợp hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam để tiếp thu, vận dụng. Hiện tại, Học viện có quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều đối tác của các nước thuộc bốn châu: Á, Âu, Mỹ, Úc về bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, truyền thông, chính sách công; hướng tới mục tiêu hợp tác, liên kết đào tạo quốc tế, thực hiện các chương trình đào tạo đại học và sau đại học với những ngành phù hợp.

Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Học viện đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý trình độ cao, năng lực hội nhập với hàng chục giảng viên, nhà khoa học tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học trên thế giới.

Sự nỗ lực hết mình phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, vì sự nghiệp trồng người của các thế hệ cán bộ, giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin cậy của Ðảng, của nhân dân. Với những thành tích to lớn trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập hạng nhất, nhì, ba... và nhiều phần thưởng cao quý khác.

PGS, TS PHẠM MINH SƠN, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Theo: nhandan.vn