Thứ 6, 22/11/2024, 00:24[GMT+7]

Thái Bình cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp đầu tư, trao đổi, hợp tác, liên kết sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm

Thứ 3, 20/09/2022 | 08:02:02
8,823 lượt xem
(Trích phát biểu của đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2022)

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham quan sản phẩm của Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu. Ảnh: Thành tâm

Thực hiện chủ trương hội nhập và tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, những năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa, nhiều doanh nghiệp phải đình trệ trong sản xuất, kinh doanh, đứt gãy thị trường tiêu thụ; song, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương, tỉnh Thái Bình đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện quyết liệt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn thị trường trong nước và quốc tế, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa và tìm kiếm mở rộng thị trường.

Chính vì vậy, hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các nhà cung cấp, cơ sở sản xuất của địa phương kết nối với các doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu, hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm tiêu biểu với các nhà phân phối, tập đoàn bán lẻ, đưa hàng hóa vào kênh phân phối hiện đại, mở rộng hệ thống phân phối và đáp ứng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.

Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, tôi xin bày tỏ sự vui mừng được đón các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các bộ, ban, ngành trung ương, đại diện Thương vụ Việt Nam ở một số nước; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cùng toàn thể quý vị đại biểu khách quý đã dành thời gian dự hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2022 tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu trực tuyến. Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các vị đại biểu khách quý dự hội nghị sức khỏe, hạnh phúc. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Thái Bình là tỉnh có vị trí khá thuận lợi, cách Thủ đô Hà Nội 110km, cách Hải Phòng 70km, có bờ biển dài 52km, hệ thống giao thông thủy bộ kết nối vùng và khu vực tương đối đồng bộ. Tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường bộ ven biển vào quý II/2023; đồng thời, triển khai thực hiện dự án tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng vào quý III/2023, sẽ thúc đẩy việc kết nối, liên kết phát triển sản xuất và lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất khẩu đến với thị trường thuận lợi.

Đặc biệt, với những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, từ một tỉnh thuần nông Thái Bình đang hướng tới trở thành tỉnh phát triển khá về mọi mặt, trong đó công nghiệp đóng vai trò chủ đạo, làm bệ đỡ hướng đến phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, xanh - sạch - bền vững. Tăng trưởng kinh tế năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 57.112 tỷ đồng, tăng 6,68% so với năm 2020 (đứng thứ 14 về tốc độ tăng GRDP so với 63 tỉnh, thành phố). 8 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 17,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 18,6%, kim ngạch nhập khẩu tăng 30,4%. Toàn tỉnh có 8.449 doanh nghiệp và 2.249 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động.

Thái Bình là tỉnh sớm hoàn thành, dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước, đang tập trung hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Chính điều này đã và đang tạo ra sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn Thái Bình. Đặc biệt, Khu kinh tế Thái Bình đang được tập trung triển khai xây dựng đồng bộ về hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng các khu công nghiệp như khu công nghiệp Liên Hà Thái, khu công nghiệp Tiền Hải... đang tạo sức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước với một số dự án quy mô lớn làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh những năm tới. Đặc biệt, tỉnh đã định hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là nòng cốt trong phát triển ngành công nghiệp nhằm hỗ trợ gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, Thái Bình đang hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa sạch, hữu cơ với đa dạng sản phẩm như gạo, khoai tây, tỏi, ớt, ngao, tôm... và một số sản phẩm công nghiệp từ nông nghiệp như bún phở tươi, các sản phẩm nông nghiệp được phát triển theo 3 trụ cột gồm: sản phẩm chủ lực quốc gia - sản phẩm chủ lực địa phương - các sản phẩm khác.

Năm 2022, lúa vụ xuân đạt trên 535.000 tấn, năng suất đạt 70,8 tạ/ha; diện tích lúa mùa đã gieo cấy toàn tỉnh đạt 76.628ha, vượt 0,16% diện tích theo đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông của tỉnh; tổng diện tích cây màu hè thu đã trồng đạt 8.990ha, vượt 38% kế hoạch. Toàn tỉnh có 2.390 trang trại chăn nuôi và khoảng 250.000 nông hộ chăn nuôi. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.665,1ha.

Thái Bình có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống được cả nước biết đến như nước mắm Diêm Điền, mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy, kẹo lạc, bánh đa, dệt khăn tay bông, thảm cói, chạm bạc, thêu ren... Một số sản phẩm công nghiệp có lợi thế như sứ vệ sinh, thủy tinh pha lê... Đến nay tỉnh có 64 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 4 sao; có 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Các sản phẩm của Thái Bình hiện đã có mặt không chỉ ở các chợ truyền thống mà còn xuất hiện tại các trung tâm thương mại, siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, Wincommerce, Winmart+..., ngoài ra còn được giao dịch qua một số sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã bằng nhiều hình thức để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước, đã triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với việc phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm như: hàng năm tổ chức hội chợ quốc tế đồng bằng Bắc Bộ, tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu các tỉnh, địa phương trong cả nước tại Hà Nội, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Thành phố Hồ Chí Minh... Cùng với đó là triển khai các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết thực hiện nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội, lợi thế để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm qua đó được đẩy mạnh tiêu thụ như gạo các loại, ngao và các sản phẩm từ ngao, bánh phở, nước mắm Diêm Điền, mắm cáy Hồng Tiến, trứng vịt biển, bánh cáy các loại, sản phẩm bánh kẹo, đồ uống, các sản phẩm trà dược, các sản phẩm từ mây tre đan và cói, thủy tinh cao cấp, sứ dân dụng, sứ vệ sinh, đồ chạm bạc làng nghề, khăn bông và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức tại Thái Bình là một trong những cách thức nhằm đa dạng các biện pháp kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Đây là năm đầu tiên Thái Bình thực hiện bằng hình thức hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại hội trường trung tâm, 18 điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và 4 điểm cầu trực tuyến quốc tế tại các thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Ôxtrâylia... với quy mô khá lớn, công tác tổ chức đã được thực hiện khá sớm và triển khai chuẩn bị một cách chi tiết, cụ thể nhằm bảo đảm hội nghị được tổ chức thành công, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong bối cảnh cả nước nói chung và Thái Bình nói riêng đang tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Thái Bình mong muốn qua hội nghị lần này những sản phẩm của tỉnh sẽ đến gần hơn nữa với người tiêu dùng trong cả nước và các nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó giúp Thái Bình tiếp nhận được nhiều hơn nữa thông tin thị trường, nhu cầu trong nước và thế giới nhằm định hướng phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện thu nhập của người nông dân, giúp người nông dân “ly nông” nhưng không phải “ly hương”, giải quyết tình trạng “được mùa mất giá”, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp bền vững.

Thái Bình cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Thái Bình đầu tư, trao đổi, hợp tác, liên kết sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm địa phương và các địa phương khác.