Thứ 6, 01/11/2024, 01:10[GMT+7]

Góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền và phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 2, 06/04/2020 | 10:59:27
2,643 lượt xem
Thành lập ngày 4/4/1955, 65 năm qua, Hội Luật gia Việt Nam không ngừng phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển”, các cấp hội và hội viên tích cực đóng góp công sức, trí tuệ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Qua đó xây dựng Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Hội Luật gia Thái Bình. Ảnh tư liệu

Cùng với giới luật gia cả nước, Hội Luật gia Thái Bình luôn tự hào về truyền thống của Hội Luật gia Việt Nam 65 năm qua cũng như sự phát triển của Hội Luật gia Thái Bình. Các cấp hội và hội viên luôn đoàn kết, sáng tạo vươn lên trong học tập, công tác, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Đến nay, Hội có 8/8 huyện, thành hội, 17 chi hội trực thuộc Tỉnh hội, 1 văn phòng Tỉnh hội, 1 trung tâm tư vấn. Các huyện, thành hội đều thành lập chi hội tại các cơ quan, đơn vị và các xã, phường, thị trấn. Tổ chức hội còn được thành lập trong các cơ quan thuộc khối nội chính và một số cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội... Hội hiện có 1.039 hội viên, trong đó trên 90% có trình độ cử nhân luật, 3% có trình độ thạc sĩ luật.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, các cấp hội đã tích cực tham gia công tác xây dựng pháp luật, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật, các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương. Nhiều ý kiến tham gia đã được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung và được đánh giá cao.Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các cấp hội đã có nhiều phương pháp, cách làm hay, chuyên sâu, bài bản như: mở hội nghị, hội thảo, câu lạc bộ, tuyên truyền trên báo, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, in sách, tờ rơi, in tài liệu cấp phát đến cơ sở, hướng dẫn cơ sở mở tủ sách pháp luật... Nhiều cơ sở hội còn trực tiếp tổ chức hội nghị tại cơ sở để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các bộ luật, luật mới, các luật liên quan nhiều đến cuộc sống của người dân như: Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giao thông đường bộ... Cùng với đó, việc tham gia hoạt động cải cách tư pháp, cải cách hành chính của các cấp hội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý được các cấp hội và Trung tâm Tư vấn quan tâm, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Người dân được giải thích các vướng mắc về pháp luật một cách kịp thời, chính xác. Duy trì thường xuyên, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở.

Phát huy truyền thống vẻ vang, thời gian tới, các cấp hội luật gia trong tỉnh tiếp tục chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh; xây dựng đội ngũ luật gia “Giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý”, góp phần phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

- Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp hội và hội viên về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam. Quán triệt và triển khai thực hiện tốt các quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm phát huy tốt vai trò của Hội trong giai đoạn mới. Phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Luật gia Thái Bình lần thứ IV.

- Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội, đẩy mạnh thực hiện chủ trương hướng về cơ sở; tăng cường công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, làm tốt công tác tư vấn miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách, những người có hoàn cảnh khó khăn và tại các điểm tiếp công dân.

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là các văn bản pháp luật mới và các văn bản pháp luật được người dân quan tâm.

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, thực thi pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội và của từng cơ quan, đơn vị.

- Tổ chức tốt công tác hướng dẫn, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Phát động phong trào thi đua trong các cấp hội; nhân rộng điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hội.

Lê Trung Mưu
(Chủ tịch Hội Luật gia Thái Bình)