Thứ 6, 01/11/2024, 03:14[GMT+7]

Tăng cường phòng ngừa, xử lý lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Thứ 3, 26/05/2020 | 07:58:17
4,753 lượt xem
Đây là nội dung của Chỉ thị 21/CT-TTg mới được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.

Ảnh minh họa.

Thời gian qua, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ nhà nước, quen biết qua mạng, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, giả danh tin nhắn rác, tin nhắn trúng thưởng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, kêu gọi đầu tư, tài trợ, đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền, làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý; lợi dụng hoạt động họ, hụi...

Để ngăn chặn những hoạt động này, Thủ tướng yêu cầu:

Các cơ quan chức năng và địa phương thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân đề cao cảnh giác, tăng cường quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.

Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực như đất đai, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, không gian mạng, xuất khẩu lao động...

Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tập trung điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập, quán triệt công chứng viên, người thực hiện công chứng, chứng thực, thừa phát lại tuân thủ nguyên tắc hành nghề, xử lý nghiêm hành vi tiếp tay cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý các nội dung quảng cáo đăng tải trên báo chí, trên mạng, quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, thuê bao di động, thuê bao Internet, loại bỏ sim rác; bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet, không cung cấp dịch vụ có nội dung lừa đảo; chủ động cảnh báo, hỗ trợ bảo vệ người sử dụng.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân có hành vi huy động vốn, đầu tư trái phép, đổi tiền qua trung gian, quảng cáo mua bán hàng hóa, dịch vụ mua hộ hàng hóa trên các nền tảng, phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hiện, xử các sai phạm liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh các loại hình như công ty tài chính, cầm đồ, môi giới việc làm, nhà đất, du học, đưa người đi lao động ở nước ngoài, thương mại và thanh toán điện tử để phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Tài chính chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán; thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến định giá tài sản, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, bảo đảm căn cứ để khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo vtv.vn