Thứ 6, 22/11/2024, 21:59[GMT+7]

Khơi dậy khát vọng phát triển, tầm nhìn xa để thành công

Chủ nhật, 02/10/2022 | 08:03:47
1,049 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc tại tỉnh Bình Phước, phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước ngày 1/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những thành tựu, kết quả quan trọng của tỉnh đạt được trên nhiều lĩnh vực, đồng thời đề nghị tỉnh cần chủ động, tích cực và chuẩn bị ngay từ bây giờ để đón làn sóng đầu tư mới trong tương lai không xa, đưa tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ.

Quang cảnh buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. (Ảnh: Duy Linh).

Tại cuộc làm việc, Đoàn công tác đã nghe lãnh đạo tỉnh Bình Phước báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chính sách phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch Covid-19; triển khai giám sát các chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng chí Trần Huệ Hiền, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: 9 tháng đầu năm kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh và có tốc độ tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 9,01%. Thu ngân sách thực hiện đạt 11.500 tỷ đồng, đạt 94,5% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 81% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu đạt 3.140,75 triệu USD, tăng 9,53% so cùng kỳ năm 2021 và đạt 81,6% so với kế hoạch năm. Vốn đầu tư toàn xã hội đạt 22.700 tỷ đồng, đạt 62,5% so với kế hoạch năm, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thu hút 30 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 107,653 triệu USD, điều chỉnh vốn cho 13 dự án, vốn điều chỉnh tăng 6,257 triệu USD…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước đã đạt được.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và các đại biểu thành viên Đoàn công tác bày tỏ ấn tượng khi trong 9 tháng qua, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Phước ước đạt 9%, thu ngân sách đạt khá, xuất khẩu phục hồi tốt, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao gấp 2 lần số doanh nghiệp giải thể góp phần giải quyết việc làm cho gần 37 nghìn lao động. Tỉnh đến nay cũng đã hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đánh giá về nguyên nhân của những kết quả, thành tựu mà Bình Phước đạt được, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đó là nhờ tỉnh đã có cách làm rất bài bản, thể hiện rất rõ phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành tới 60 kết luận, nghị quyết, chỉ thị, đề án trên tất cả các lĩnh vực trọng điểm.

Cùng với đó, tỉnh rất chú trọng tới công tác lập quy hoạch, kế hoạch; bắt đầu chú ý đến hợp tác liên kết vùng; làm tốt công tác chuẩn bị nguồn nhân lực…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, muốn phát triển kinh tế-xã hội, Bình Phước phải tạo môi trường làm ăn, kinh doanh thuận lợi; thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động tương thích với chuyển dịch cơ cấu về kinh tế; chú trọng chăm lo, phát triển các loại hình kinh tế khác bên cạnh nỗ lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhấn mạnh rằng tình hình thực tiễn thay đổi rất nhanh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Phước rà soát các chương trình hành động để kịp thời cập nhật, bổ sung cho phù hợp.

9 tháng đầu năm nay, kinh tế của tỉnh Bình Phước phục hồi nhanh và có tốc độ tăng trưởng khá, đạt 9,01%. Thu ngân sách thực hiện đạt 11.500 tỷ đồng, đạt 94,5% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 81% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2021. 


Liên quan quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nói về tiềm năng, lợi thế là phải có sự so sánh rất cụ thể. Bình Phước cần đặt trong bối cảnh tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, cùng với nghị quyết mới của Bộ Chính trị về liên kết vùng.

Tỉnh cũng cần soát xét lại các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trên tinh thần rất tiết kiệm, không để xảy ra tình trạng hoang phí đất đai; lưu ý tới suất đầu tư và giá trị gia tăng trên 1ha đất.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Bình Phước cũng cần rà soát lại quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình, kế hoạch, đề án; chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực để thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đã đặt ra.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Bình Phước không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn có vị trí chiến lược quan trọng, là địa bàn kết nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và là khu vực dự trữ phát triển lan tỏa của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương cả về đô thị và công nghiệp. Tỉnh đồng thời có quỹ đất rộng lớn, màu mỡ, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với xu hướng đi lên rất rõ ràng.

Qua lắng nghe các báo cáo và ý kiến thảo luận, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, con số 10 nghìn doanh nghiệp trên 240 hợp tác xã trên địa bàn là ít ỏi, vì thế, trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Phước cần chăm lo phát triển các loại hình doanh nghiệp để giải quyết công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Phước chủ động, tích cực chuẩn bị ngay từ bây giờ cả về “hạ tầng cứng” và “hạ tầng mềm” để đón làn sóng đầu tư mới trong thời gian không xa.

Một nội dung khác được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; các chương trình hành động cần được xây dựng với tầm nhìn xa, khát vọng lớn để đưa tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Chia sẻ với một số ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Bình Phước khi phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất phải gắn liền với phát triển các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục; bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. (Ảnh Duy Linh).

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ rõ các “điểm ngẽn” lớn nhất cản trở sự phát triển chung của tỉnh, trong đó có yếu tố về hạ tầng giao thông,

Phó thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh tập trung phát triển lĩnh vực này, và lưu ý địa phương lựa họn các công trình giao thông trọng tâm, trọng điểm để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. “Bình Phước đầu tư phải có chọn lựa, hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải, không làm chậm tiến độ và tránh gây thất thoát, lãng phí; đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, đẩy nhanh quy hoạch tổng thể, thu hút nhà đầu tư bằng các dự án quy hoạch tốt..” - đồng chí nói.

Báo cáo Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, phát biểu tại buổi làm việc, nhấn mạnh thêm một số thuận lợi, khó khăn của Bình Phước, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Sau 25 năm tái lập, Bình Phước từ “vùng trũng” đã vượt qua mức trung bình của cả nước. Đồng chí cho biết: Bình Phước có 2 lợi thế nổi bật nhất về vị trí địa lý và nguồn lực đất đai, tuy nhiên quy mô kinh tế vẫn còn hạn chế, thu ngân sách chưa bền vững, quy mô dân số nhỏ. Để khắc phục những hạn chế này, tỉnh chủ động xây dựng quy hoạch, đề ra các chủ trương phát triển trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. (Ảnh Duy Linh).

“Để khắc phục bất lợi xa vị trí trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, Bình Phước đã chủ động xây dựng kết nối giao thông để liên kết vùng; trong đó, điểm nhấn là các tuyến cao tốc để kết nối với TP Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nguyên. Tỉnh rất mong các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ trong vấn đề này” - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước nói.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Phước, sau 9 tháng thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chính sách phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch Covid-19, Bình Phước đạt doanh thu từ hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 1.287,38 tỷ đồng, tăng 21,88% so với cùng kỳ năm 2021; 2.184 khách hàng được giải ngân vốn vay 117,835 triệu đồng theo các chương trình tín dụng ưu đãi; Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm đạt 3.329 tỷ đồng, bằng 44,9% chỉ tiêu Chính phủ giao và bằng 44,5% kế hoạch năm…

Năm 2022, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có nhiều cải tiến về nội dung và hình thức, đặc biệt trong việc triển khai hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các hoạt động giám sát được tăng cường hơn trước, nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc trong cuộc sống, có tác động tích cực đến hoạt động lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước.

Bình Phước là tỉnh có diện tích lớn nhất ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có vị trí địa lý chiến lược là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên và nước bạn Campuchia. Sau 25 năm từ ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước đoàn kết nỗ lực, vượt lên khó khăn, dần trở thành một tỉnh công nghiệp, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Nhằm thu hút đầu tư, thu hút lao động, tỉnh đã định hướng đến năm 2030 phát triển 18 dự án nhà ở xã hội, trong đó, đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với 9 dự án/63ha và đang tiến hành chuẩn bị công tác xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư xây dựng các dự án khác...


Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày