Thứ 2, 25/11/2024, 17:02[GMT+7]

Thời tiết thay đổi thất thường, chủ động phòng cúm, bệnh hô hấp

Chủ nhật, 02/10/2022 | 21:33:27
981 lượt xem
Gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị do có biểu hiện bệnh về đường hô hấp tăng, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi có hệ miễn dịch kém. Một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh cúm, hô hấp tăng là do thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh, gây bệnh.

Trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Xuất hiện các triệu chứng mệt, ho, khó thở, ông Lê Đình Chu, xã Đông Cường (Đông Hưng) đi khám tại bệnh viện và được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ông Chu cho biết: Sức đề kháng kém nên thời tiết thay đổi tôi dễ bị tái phát bệnh, nhất là lúc nắng nóng kéo dài hoặc rét đậm. Sau hơn 1 tuần điều trị, đến nay sức khỏe tôi đã khá hơn, đỡ ho nhiều.

Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp đến khám, nhập viện tại các cơ sở y tế trong tỉnh gia tăng. Tại Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng, theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến ngày 14/9, số lượng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp điều trị tại Bệnh viện là hơn 105.400 bệnh nhân. Riêng tháng 8/2022 là hơn 16.180 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân mắc viêm phế quản cấp, viêm phổi do vi khuẩn chưa được phân loại nơi khác, viêm phế quản phổi... chiếm đa số. Tùy theo tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ có những hướng dẫn phù hợp. Người bệnh có triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà và nhập viện với những trường hợp ho tăng, nhiều đờm, khó thở nhiều. Trường hợp khó thở nặng, suy hô hấp sẽ chuyển chăm sóc, điều trị tích cực.

Không chỉ người cao tuổi, người có tiền sử về bệnh phổi, viêm phế quản mạn tính, nhiều trẻ em cũng phải nhập viện điều trị cúm, bệnh hô hấp, sốt, nôn, tiêu chảy... Tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, từ ngày 1 - 22/9/2022, số lượng bệnh nhân nhi nhập viện điều trị tại Khoa Hô hấp là hơn 370 bệnh nhân. Khoa luôn ở tình trạng kín giường. Các bệnh nhi nhập viện chủ yếu mắc viêm phế quản, viêm phổi, cúm A...

Các bệnh đường hô hấp khi xử trí điều trị thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kèm theo chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bệnh nhân mau khỏi bệnh. Tuy nhiên, với các trường hợp đã biến chứng viêm phổi nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời có thể bị bội nhiễm kèm theo... khiến bệnh lâu khỏi, thời gian nằm viện dài ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

Trước số ca mắc bệnh hô hấp tăng, ngành y tế khuyến cáo, các gia đình cần chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh về đường hô hấp; bảo đảm dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch, sức đề kháng trong thời điểm giao mùa, nhất là cho trẻ nhỏ, người cao tuổi; cách ly sớm với người trong gia đình đã có triệu chứng nhiễm bệnh. Ngay khi có những triệu chứng cần phải đi khám sớm để được chẩn đúng bệnh, điều trị đúng thuốc, tránh tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Với trẻ nhỏ, khi trẻ có triệu chứng bệnh viêm đường hô hấp, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để đánh giá được mức độ bệnh. Nếu trẻ đang bú sữa mẹ cần cho trẻ bú mẹ trong thời gian lâu nhất có thể; tiêm phòng đầy đủ; vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày; giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh và thoáng mát khi trời nóng; tránh nơi ô nhiễm môi trường, khói bụi, khói thuốc lá; tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiện ho, sốt và vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ôm hoặc bế trẻ; hạn chế cho trẻ đến nơi đông người khi không cần thiết... Với người cao tuổi, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh cần hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm; có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động hợp lý; vệ sinh họng, miệng, cơ thể sạch sẽ thường xuyên. Người có bệnh mạn tính viêm xoang, viêm phế quản... cần bỏ thuốc lá, thuốc lào; đeo khẩu trang khi ra đường; tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp để giảm nguy cơ viêm đường hô hấp. Ngoài cúm, bệnh đường hô hấp, người cao tuổi cũng dễ mắc bệnh xương khớp, tim mạch, tăng huyết áp... khi thời tiết thay đổi. Do đó, phải chủ động các biện pháp phòng bệnh, tránh để biến chứng nặng.

Như Hoàng