Thứ 5, 25/04/2024, 12:00[GMT+7]

Hà Nội: Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp

Thứ 3, 04/10/2022 | 21:52:43
363 lượt xem
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Vừa chú trọng công tác xây dựng Đảng, nhưng các địa phương, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức, cơ sở Đảng. Chúng ta không thành lập tổ chức Đảng bằng mọi giá mà phải chú trọng đến chất lượng.

35 chủ doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU đã được tuyên dương, khen thưởng.

Ngày 4/10, Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thành phố (TP) Hà Nội tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương chủ doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội và tọa đàm với chủ đề “Nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”.

Thành lập được 1.711 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các quận, huyện, thị ủy và 150 đại biểu là chủ doanh nghiệp có tổ chức Đảng.

Phát biểu đề dẫn hội nghị, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thanh Minh cho biết, tính đến tháng 9/2022, TP Hà Nội có khoảng 343.885 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Số lượng doanh nghiệp Hà Nội giai đoạn 2016 - 2021 tăng trung bình khoảng 5%/năm. Vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô: chiếm 67% trên tổng số việc làm; đóng góp khoảng 30% GDP của Thủ đô…

Về kết quả thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đến nay, toàn TP Hà Nội đã thành lập được 1.711 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, kết nạp 10.742 đảng viên, trong đó có 45 chủ doanh nghiệp tư nhân; thành lập được 7.067 tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên, kết nạp được 483.837 đoàn viên, hội viên tham gia vào các tổ chức đoàn thể…

 Các tổ chức đảng được thành lập trong doanh nghiệp đã tích cực tham gia xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển doanh nghiệp, tham gia với chủ doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh quy mô hoạt động, chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, cải tiến mẫu mã, thay đổi mặt hàng, đổi mới công nghệ; tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp; lãnh đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, hạn chế những vụ tranh chấp hợp đồng lao động…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nên ít quan tâm, không nắm rõ tình hình doanh nghiệp, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; một số chủ doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa thật sự quan tâm, chưa nhận thức được vị trí, vai trò của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp; công tác đảng tại các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn, hạn chế; chưa được cập nhật các thông tin đầy đủ, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động, các nội dung sinh hoạt chi bộ, định hướng công tác tư tưởng cho đảng viên trong các doanh nghiệp…

Tại tọa đàm, các ý kiến chia sẻ của đại diện các đơn vị tập trung trao đổi về vấn đề quan điểm của các cấp ủy đảng, chủ doanh nghiệp đối với vị trí, vai trò của tổ chức đảng, các đoàn thể trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; thực trạng công tác xây dựng đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước hiện nay. Các ý kiến cũng đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể nâng cao chất lượng của tổ chức đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; đưa ra các giải pháp phát huy vai trò, vị trí của tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU. Đến nay Thành ủy Hà Nội vẫn là địa phương đầu tiên và duy nhất của cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Thành ủy Hà Nội đối với vấn đề phát triển tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Dẫn các số liệu ấn tượng trong 10 năm qua kể từ khi ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến xã phường, sự thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Điểm lại những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong 10 năm qua cũng như 9 tháng năm 2022 với những tác động của đại dịch COVID-19, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước còn khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến số lượng trong khu vực này còn hạn chế. Trong khi đó, tại nhiều doanh nghiệp có tổ chức Đảng nhưng việc duy trì hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gặp không ít khó khăn…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Chính trị, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính; phân cấp, ủy quyền trong quản lý kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân. Cùng với đó, thành phố tiếp tục coi công tác phát triển Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của thành phố. Việc phát triển được tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân là để đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn nữa.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 09-NQ/TU, đặc biệt là quan điểm của Đảng về kinh tế tư nhân, việc xây dựng các tổ chức Đảng và đoàn thể nhân dân khu vực ngoài Nhà nước trong toàn xã hội. Đồng thời, không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền với cách thức và hình thức mới phù hợp với thực tiễn… Ban Cán sự đảng UBND TP tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp có tổ chức Đảng hoạt động. Đồng thời, sớm hoàn thiện bộ máy tổ chức của Đảng ủy khối doanh nghiệp các quận, huyện, thị ủy để tăng cường hiệu quả hoạt động.

Đối với các quận, huyện, thị ủy, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu cần chú trọng việc mở lớp tập huấn cho các cán bộ làm công tác Đảng trong Đảng ủy khối doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho các quần chúng ưu tú trong các doanh nghiệp học các lớp cảm tình Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn….

Đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Vừa chú trọng công tác xây dựng Đảng, nhưng các địa phương, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức, cơ sở Đảng. Chúng ta không thành lập tổ chức Đảng bằng mọi giá mà phải chú trọng đến chất lượng. Điều này cần được triển khai linh hoạt phù hợp với thực tiễn của các địa phương, doanh nghiệp và đúng với Điều lệ Đảng.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo vinh danh chủ doanh nghiệp tiêu biểu trong phát triển Đảng, đoàn thể. 

Tại hội nghị, 35 chủ doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU đã được tuyên dương, khen thưởng…/.

Theo dangcongsan.vn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày