Thứ 7, 11/05/2024, 09:52[GMT+7]

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Phát huy hiệu quả các cơ chế đặc thù để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững

Thứ 6, 14/10/2022 | 08:04:44
629 lượt xem
Ngày 13/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình kinh tế-xã hội và thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành phân tích những khó khăn, tồn tại của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời qua, nhất là các vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm như ùn tắc giao thông, ngập úng khi có mưa lớn, triều cường dâng cao; chưa đầu tư xứng đáng cho chuyển đổi số; không gian ngầm khai thác chưa hiệu quả; quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập; tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… đồng thời kiến nghị các giải pháp với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết các thách thức, rào cản để thành phố có bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

Cùng với đề xuất Trung ương dành cho Thành phố Hồ Chí Minh cơ chế tự chủ về tài chính, ngân sách ở mức cao hơn so hiện nay; các ý kiến cũng góp ý với thành phố cần tăng cường mở cửa, hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài; rà soát, loại bỏ quy hoạch treo; tăng cường đầu tư phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo...

Quang cảnh Hội nghị. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước đánh giá cao trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ vượt qua đại dịch Covid-19, đà tăng trưởng phục hồi tốt, đã có chương trình phục hồi kinh tế-xã hội toàn diện, 15/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm 2022, một số chỉ tiêu quan trọng như tổng sản phẩm trên địa bàn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kim ngạch xuất khẩu... tăng trưởng rất ấn tượng. Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục-đào tạo được phục hồi, củng cố, phát triển tạo sức sống mới cho thành phố sau đại dịch.

Tuy nhiên, thành phố cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng của thành phố đối với phía nam và cả nước đang suy giảm dần. Tốc độ tăng trưởng giảm mạnh. Giai đoạn 1996-2010, kinh tế thành phố tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, cao hơn 1,6 lần mức bình quân cả nước, giai đoạn 2011-2015 giảm còn 7,22%/năm và giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 6,41%/ năm, nhất là 2 năm qua suy giảm tăng trưởng do ảnh hưởng của đại dịch.

Hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngày càng bất cập so yêu cầu phát triển giai đoạn mới, nhất là hạ tầng giao thông; chất lượng tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế và khó khăn trong việc thăng tiến lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị và xác lập cơ cấu kinh tế hiện đại. Hoạt động của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao chưa có sự đột phá, chưa thu hút được nhiều tập đoàn lớn. Chỉ số cạnh tranh địa phương (PCI) hầu như không tiến bộ trong các năm qua, tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp. Khái quát những tồn tại nêu trên, Chủ tịch nước nhận định chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, nền công vụ địa phương còn bất cập so quy mô và tốc độ phát triển của thành phố.

Nhấn mạnh việc bảo đảm ổn định, kiểm soát tốt vĩ mô có tầm quan trọng đặc biệt đối với một siêu đô thị, đông dân, Chủ tịch nước lưu ý thành phố cần giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm để các huyết mạch kinh tế thông suốt và có chất lượng; quan tâm tạo điều kiện và động viên đội ngũ doanh nhân cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển thành phố; tập trung khôi phục và phát triển khu vực doanh nghiệp, chú trọng đối thoại, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, của từng dự án; thúc đẩy giải ngân vốn ngân sách, triển khai nhanh các dự án đầu tư công, tạo nền tảng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các ngành công nghiệp chế biến. Cùng với đó, đẩy mạnh các “sáng kiến” về cải thiện các dịch vụ công, thủ tục hành chính, đa dạng các mô hình cung cấp dịch vụ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. 

Cho rằng thành phố cần tiếp tục theo đuổi một cách có chiến lược, bài bản và hiệu quả mô hình nền kinh tế sáng tạo, Chủ tịch nước đề nghị đẩy mạnh thực hiện cải cách cả chính sách và hệ thống công vụ rộng hơn để tạo những thay đổi rõ nét về môi trường kinh doanh; cải thiện cơ chế chính sách và hạ tầng liên quan nền tảng số và đổi mới sáng tạo; tiếp tục đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng các hệ thống an sinh và bảo trợ xã hội hiệu quả, linh hoạt, chú trọng hỗ trợ người yếu thế, các nhóm bị tổn thương do đại dịch.

Chủ tịch nước khẳng định việc ban hành cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh thực tế đang phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của thành phố đối với cả nước. Hệ thống chính trị, chính quyền thành phố cũng rất năng động, sáng tạo, cố gắng tận dụng các cơ chế đặc thù của Trung ương dành cho địa phương. Cùng với những kết quả thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội đã đạt được, vẫn còn bộc lộ hạn chế, một số cơ chế, chính sách đặc thù thành phố chưa tận dụng tốt, chưa triển khai một cách đồng bộ.việc ban hành cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh thực tế đang phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của thành phố đối với cả nước.

Việc ban hành cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh thực tế đang phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của thành phố đối với cả nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc


Tán thành với ý kiến tại buổi làm việc về nhu cầu cần có cơ chế đột phá, chính sách mới, kể cả xem xét những cơ chế đặc thù, phân cấp mạnh mẽ hơn để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững, phát huy năng động, sáng tạo “đi trước, đón đầu” trong thời gian tới, Chủ tịch nước cho rằng, khung khổ chính sách mới cần bảo đảm thiết thực, hiệu quả, định hình phát triển trong tương lai, tạo thế và lực tháo gỡ dứt điểm nút thắt về những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn.

Đề cập về đề xuất, kiến nghị của đông đảo cử tri, Chủ tịch nước đề nghị thành phố Hồ Chí Minh tập trung xử lý những bất cập về quy hoạch; xây dựng thành phố thành mô hình kiểu mẫu xanh, sạch, đẹp, huy động sự vào cuộc tích cực của chính quyền cơ sở và mọi người dân.

Gợi ý có thể lấy thành phố Thủ Đức làm mô hình thí điểm thành phố an ninh, an toàn, không xả rác bừa bãi, Chủ tịch nước đề nghị các lực lượng chức năng, nhất là Công an thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm trong giữ gìn an ninh trật tự, tăng cường phòng ngừa tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Cùng với đó, thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục nâng cấp các nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm văn hóa nhằm đáp ứng tốt hơn đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày