Thứ 4, 27/11/2024, 07:27[GMT+7]

Cùng hội viên phát triển kinh tế

Thứ 2, 17/10/2022 | 08:36:31
1,472 lượt xem
5 năm 2017 - 2022, Hội CCB tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên hưởng ứng phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đạt kết quả tích cực. Nhiều hội viên đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao, vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đạo, xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình (người đứng giữa) làm giàu từ mô hình chăn nuôi gà khép kín.

Mạnh dạn trong suy nghĩ, sáng tạo trong cách làm, cùng với sự hỗ trợ từ các cấp hội, nhiều CCB đã vượt khó vươn lên, trở thành những tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh.  Với 1 mẫu đất trồng 220 cây bưởi Hòa Bình, mỗi năm gia đình CCB Trần Hữu Khang, thôn Nam Tiến, xã Hồng An (Hưng Hà) xuất bán gần 1 vạn quả bưởi. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về hơn 250 triệu đồng/năm. CCB Trần Hữu Khang chia sẻ: Kinh tế của gia đình tôi trước kia rất khó khăn; song từ ngày được đồng đội giúp đỡ và chỉ cho cách trồng, chăm sóc giống bưởi Hòa Bình, tôi đã làm theo và thành công. Hội CCB xã hỗ trợ tôi vay vốn tín chấp từ ngân hàng để đầu tư xây dựng mô hình bài bản. Nhờ có thu nhập từ vườn bưởi mà vợ chồng tôi xây dựng được ngôi nhà khang trang, con cháu có điều kiện học hành đầy đủ. Tôi mong thời gian tới các cấp hội CCB sẽ có thêm nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ hội viên về vốn, khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình liên kết hỗ trợ hội viên tìm đầu ra cho sản phẩm, từ đó yên tâm sản xuất.

CCB Trịnh Văn Huỳnh, thôn Đà Thôn, xã Quỳnh Khê (Quỳnh Phụ) là một điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2001, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho giá trị cao hơn, ông đã xin đấu thầu 13.000m2 đất để xây dựng trang trại tổng hợp. Đến nay, trang trại của ông mỗi năm xuất bán hơn 12.000 gà thịt, trên 10 tấn cá, từ 140 - 160 tấn lợn thịt, sau khi trừ chi phí thu về hơn 1,3 tỷ đồng. CCB Trịnh Văn Huỳnh cho biết: Thời điểm mới xây dựng trang trại tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn, kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi nên có năm thiệt hại lớn. Rất may mắn là khi gia đình gặp khó khăn nhất về nguồn vốn thì Hội CCB xã đã đứng ra tín chấp với ngân hàng cho vay 100 triệu đồng để tôi vực dậy sản xuất. Tôi cũng tích cực học tập kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả, đầu tư trang trại một cách bài bản, chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi nên có được thành công như hôm nay.

Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Phần lớn hội viên CCB ở nông thôn, gắn bó với đồng ruộng nên để giúp hội viên phát triển kinh tế từ chính đồng đất địa phương, trước hết hội CCB các cấp tích cực tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên nắm và hiểu rõ các chủ trương, định hướng lớn trong phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Trên cơ sở đó, tổ chức hội chủ động xây dựng nội dung, kế hoạch thực hiện phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên; đồng thời, tổ chức rà soát, nắm chắc từng đối tượng hộ nghèo để có kế hoạch giúp đỡ kịp thời. Các cấp hội còn tạo điều kiện để hội viên được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên phát triển mô hình sản xuất phù hợp với khả năng và sức khỏe của mình. Trong 5 năm 2017 - 2022, hội CCB từ tỉnh tới cơ sở đã phối hợp tổ chức 322 lớp tập huấn nghiệp vụ vay vốn, bồi dưỡng kiến thức khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho trên 21.400 lượt hội viên; đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 12.200 hội viên vay vốn với tổng dư nợ trên 468,6 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất. Tổ chức hội còn tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình thực tế đã cho hiệu quả cao. Qua đó, hội viên đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Đến nay có 36 gia đình hội viên tích tụ được hơn 186ha đất nông nghiệp kém hiệu quả để xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao; 2.284 hội viên chăn nuôi hơn 6.200 con trâu, bò thương phẩm. Toàn tỉnh có trên 400 mô hình doanh nghiệp, trang trại, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất do CCB làm chủ, tạo việc làm cho gần 15.000 lao động. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của CCB ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hội viên nghèo giảm còn 0,34%, có 81/260 xã, phường, thị trấn (31,15%) không còn hộ CCB nghèo. Từ đó, hội viên tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới, gương mẫu tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, xã hội, từ thiện, khuyến học khuyến tài, vệ sinh môi trường... Hàng năm có trên 95% gia đình hội viên đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Tổng kết phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, toàn hội có 1 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội CCB Việt Nam, UBND tỉnh và Hội CCB tỉnh khen thưởng 40 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào.

Ông Nguyễn Văn Hán cho biết thêm: Phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm và hành động cụ thể của mỗi tổ chức hội cũng như cán bộ, hội viên. Phong trào không chỉ tạo động lực giúp hội viên vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mà còn là chất keo gắn kết chặt chẽ giữa hội viên với tổ chức hội. Thời gian tới, Hội CCB tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; tập hợp các doanh nhân CCB, những hội viên làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh... hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khăn; thường xuyên kiểm tra hoạt động vay vốn tín chấp của hội viên và tổ chức hội bảo đảm vốn vay được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao; động viên CCB yên tâm phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.

Cựu chiến binh Trần Hữu Khang, thôn Nam Tiến, xã Hồng An, huyện Hưng Hà mỗi năm xuất bán gần 1 vạn quả bưởi cho thu nhập hơn 250 triệu đồng/năm. 

Hoàng Tiến