Chủ nhật, 05/05/2024, 16:16[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Thứ 2, 24/10/2022 | 17:17:21
5,930 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi thảo luận.

Các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung ý kiến về các vấn đề trọng tâm, còn nhiều ý kiến khác nhau như: Tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh; các quy định về chuyên môn, kỹ thuật; định hình hệ thống y tế; mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; việc xã hội hóa; cơ chế tự chủ tài chính, hợp tác công tư... 

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng dự thảo Luật trình tại kỳ họp này đã có sự thay đổi tích cực, thể chế về cơ bản các chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có nhiều nội dung lớn đã được quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Do đó, đại biểu bày tỏ thống nhất với sự cần thiết, tên gọi, bố cục và các nội dung cơ bản của Luật. Đại biểu tham gia về nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia, nếu chỉ để Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ dẫn đến việc sự tập trung một chỗ gây ùn ứ, chậm có kết quả sẽ dẫn đến ảnh hưởng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề. Trong khi theo thông lệ quốc tế, việc tổ chức đánh giá năng lực người hành nghề sẽ tổ chức theo hướng của Hội đồng đại diện cho Hiệp hội hành nghề Y khoa Quốc gia và được Bộ Y tế cấp phép giám sát, tổ chức thực hiện. Công tác tổ chức làm sao phải thuận tiện cho người hành nghề khi đăng ký tham gia; đánh giá cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu cho biết đây cũng là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập…

Tham gia phát biểu về chế độ, chính sách cho người làm nghề khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng việc giải trình trong báo cáo chưa thuyết phục, chưa thể hiện được chính sách đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước cho ngành y. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; về chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh của Hội đồng Y khoa Quốc gia, trong Dự án Luật, có sự bất cập khi chưa làm rõ quy định về lộ trình, trong khi mốc thời gian đặt ra là sau 5 năm luật có hiệu lực, việc đánh giá năng lực hành nghề mới được thực hiện. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc kỹ những quy định liên quan đến nội dung này để bảo đảm khả thi; hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm thuận lợi trong thi hành, áp dụng, bảo đảm hiệu quả thực tế. Ngoài ra, đại biểu đề nghị nghiên cứu, rà soát Điều 121 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để bảo đảm quy định rõ và đủ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; đồng thời rà soát toàn bộ các nội dung quy định trong dự luật tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, bảo đảm tính khả thi của các chính sách.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung: Dự thảo nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì phiên thảo luận. Về Dự thảo nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận về các nội dung như: trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp; Về khách mời dự kỳ họp; tài liệu của kỳ họp; hình thức họp trực tuyến và kết hợp giữa họp trực tuyến và họp trực tiếp; trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi tham gia phiên họp; quyền của của chủ tọa, người điều hành phiên họp; Về chất vấn tại phiên họp toàn thể; việc bầu trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất; tên điều quy định về quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Về xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và các vấn đề quan trọng khác,..

Đối với dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận về các nội dung như: đối tượng báo cáo; nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; báo cáo giao dịch đáng ngờ; các dấu hiệu đáng ngờ; áp dụng các biện pháp tạm thời; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền; sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống rửa tiền;…

Về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành, trình tự, thủ tục; hồ sơ dự thảo nghị quyết và về nội dung quy định và về hình thức văn bản,…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày