Thứ 2, 06/05/2024, 03:22[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về các dự thảo luật, nghị quyết

Thứ 4, 26/10/2022 | 16:07:56
5,793 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, sáng ngày 26/10, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự thảo nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh phát biểu thảo luận.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 15.

Tham gia phát biểu thảo luận, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội và cho rằng mặc dù khác với các địa phương đã được Quốc hội ban hành nghị quyết riêng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trước đây là áp dụng cho địa bàn cấp tỉnh, lần này, Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp huyện. Tuy nhiên, việc xây dựng dự thảo nghị quyết này có cơ sở chính trị, thực tiễn chắc chắn. Trong đó, tại Kết luận số 67-KL/TW ngày 16-12-2019, Bộ Chính trị đã giao Chính phủ xây dựng đề án về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột để báo cáo Quốc hội, bảo đảm thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố  Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.

Dự thảo nghị quyết quy định 4 nhóm chính sách gồm: Nhóm chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; Nhóm chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; Nhóm chính sách quản lý quy hoạch và Nhóm chính sách về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt. Theo các đại biểu, việc ban hành các nhóm chính sách này có tính khả thi và cũng tương đồng với các chính sách đặc thù đang áp dụng đối với một số đơn vị cấp tỉnh. Tuy nhiên, đối với nhóm chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, các đại biểu đề nghị, cần có quy định cụ thể về định hướng sử dụng kinh phí, nhằm đạt được mục tiêu của dự thảo nghị quyết đề ra. Với nhóm chính sách về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt, đại biểu đề nghị nên quy định tiêu chí thế nào là chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt.   

Đối với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, các vị đại biểu Quốc hội cũng thể hiện quan điểm tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bảo đảm công khai, minh bạch trong cấp biển số xe; đồng thời khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các vị đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung cụ thể như: Về khái niệm “biển số đấu giá”; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; loại biển số xe ô tô đưa ra đấu giá; về giá khởi điểm và các bước giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng giá, người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế; về thời gian thực hiện thí điểm và điều khoản thi hành;…

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Tham gia phát biểu thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đều nhận định quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra, đó là, bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, hiệu quả”, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp 2013, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội phát biểu về các nội dung cụ thể như về hành vi bạo lực gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình; về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã và tòa án và giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc; góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình; về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”;…

 Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày