Thứ 4, 27/11/2024, 06:40[GMT+7]

Viện Báo chí, Học viện Báo chí & Tuyên truyền: Tự hào 60 năm hình thành và phát triển

Thứ 7, 29/10/2022 | 08:08:47
3,907 lượt xem
60 năm qua, gần 2 vạn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trưởng thành từ Viện Báo chí, Học viện Báo chí & Tuyên truyền đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí, truyền thông.

01. Những thành tựu nổi bật

Ngày 16/01/1962, Khoa Báo chí chính thức được thành lập theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 1/2019, Khoa Báo chí đổi tên thành Viện Báo chí theo quyết định số 6591-QĐ/HVCTQG của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Viện Nghiên cứu Báo chí - Truyền thông (trực thuộc Học viện Báo chí & Tuyên truyền). Với dấu mốc ra đời từ năm 1962, Khoa Báo chí trước đây, nay là Viện Báo chí đã có truyền thống 60 năm hình thành và phát triển.

Ngày 9/3/2019, Viện Báo chí tổ chức Lễ ra mắt Viện, Hội đồng tư vấn ngành, Hội đồng Viện và tổ chức họp Hội đồng, thống nhất nội dung để trình đề án phát triển Viện Báo chí tới Lãnh đạo Học viện Báo chí & Tuyên truyền và Lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của Viện Báo chí. Viện Báo chí hiện có 3 chuyên ngành đào tạo bậc cử nhân (Báo chí, Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện), 2 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ báo chí (Báo chí, Quản lý báo chí truyền thông) và Tiến sĩ Báo chí học, cùng nhiều chương trình bồi dưỡng ngắn hạn dành cho tất cả các đối tượng thuộc các vị trí, chức danh trong hệ thống các cơ quan báo chí và quản lý báo chí truyền thông trong nước.

Viện Báo chí là đơn vị đào tạo cán bộ báo chí - truyền thông lâu đời, uy tín trong cả nước. Viện có chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí - truyền thông có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho các cơ quan báo chí - truyền thông; nghiên cứu khoa học phát triển lý luận về lĩnh vực báo chí - truyền thông.

Hơn nửa thế kỷ qua, Khoa Báo chí và Viện Báo chí đã đào tạo được gần 20.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các khóa, các hệ và các cấp. Các thế hệ ấy đã trưởng thành, nối tiếp truyền thống tốt đẹp, khẳng định bản sắc và có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp báo chí, truyền thông vì sự nghiệp đổi mới cho đất nước; tham gia chương trình đào tạo cán bộ báo chí, truyền thông cho một số các nước bạn như: Trung Quốc, Lào, Campuchia… Sinh viên, học viên tốt nghiệp từ Viện Báo chí đã trở thành những nhà hoạt động chính trị, nhà quản lý, nhà báo có uy tín trong hệ thống báo chí, hệ thống chính trị ở Việt Nam và các nước khác.

Theo chia sẻ của PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí, trong chặng đường 60 năm qua, Viện Báo chí đã có thành tựu to lớn trong đào tạo nhân lực báo chí cách mạng, bám sát thực tiễn cách mạng từng thời kỳ, từ nghiên cứu tổng kết thực tiễn báo chí cách mạng đến phát triển lý luận báo chí cách mạng Việt Nam trên nền tảng của khoa học báo chí truyền thông.

"60 năm qua, Khoa Báo chí - Viện Báo chí xây dựng và thực thi mô hình đào tạo nhà báo đảm bảo kiến thức chính trị - xã hội, năng lực nghiệp vụ, phẩm chất chính trị - phẩm chất đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp báo chí đặc thù. Gần 200 đầu giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo đã được Hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu, xuất bản, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của người học" - PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ thêm.

Nhìn lại lịch sử truyền thống 60 năm qua, Khoa Báo chí - Viện Báo chí đã đạo tạo được gần 5.000 cử nhân báo chí, trên 100 cử nhân truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện, khoảng 6.000 sinh viên hệ tại chức, vừa làm vừa học tại Học viện và các địa phương trong cả nước; khoảng 5.000 học viên được đào tạo, tập huấn qua các khóa bồi dưỡng ngắn hạn theo chức danh của tòa soạn, theo nhu cầu xã hội và các chương trình đào tạo theo các dự án hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, có 18 khóa cao học báo chí và quản lý báo chí truyền thông, với khoảng 1.200 học viên đã tốt nghiệp nhận bằng Thạc sĩ; 16 khóa nghiên cứu sinh báo chí với gần 100 Tiến sĩ báo chí đã tốt nghiệp với chương trình đào tạo do Khoa Báo chí - Viện Báo chí xây dựng và phát triển.

02. Thay đổi đáp ứng với yêu cầu báo chí số

Sau 3 năm hợp nhất Khoa Báo chí và Viện Nghiên cứu Báo chí - Truyền thông, Viện Báo chí đã có sự đầu tư, đổi mới để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập nhằm bắt kịp với sự phát triển của báo chí hiện đại ngày nay. Là mô hình cấp Viện duy nhất của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Viện Báo chí có nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu báo chí truyền thông hội tụ cho nền báo chí cách mạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số.

PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho biết thêm, khi hợp nhất Khoa Báo chí và Viện Nghiên cứu Báo chí - Truyền thông, Viện Báo chí giữ nguyên chức năng đào tạo, bồi dưỡng của Khoa Báo chí trước đây; thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học và nghiên cứu ứng dụng về báo chí truyền thông. Đồng thời, có nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm các mô hình, dự án ứng dụng, phát triển báo chí, đào tạo bồi dưỡng nâng cao; hướng tới chuẩn hóa hệ thống giáo trình đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam và hệ thống chương trình, tài liệu bồi dưỡng.

Hoạt động thường niên chào tân sinh viên "Fire Up".

Kế thừa thành tựu và giá trị truyền thống từ Khoa Báo chí và Viện Nghiên cứu Báo chí - Truyền thông, Viện Báo chí đã nghiên cứu và đề xuất những đề án thử nghiệm các mô hình báo chí truyền thông hiện đại, mở hai mã ngành mới đáp ứng yêu cầu báo chí số, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện. "Viện Báo chí cũng xuất bản giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo; đổi mới nội dung, phương thức đào tạo; đồng thời tiếp tục nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu với sự tham gia của đội ngũ hàng trăm cán bộ, giảng viên, cộng tác viên nghiên cứu, hàng ngàn nghiên cứu sinh, học viên sau đại học, các sinh viên bậc cử nhân ưu tú. Viện đã nỗ lực và bước đầu thành công trong phát triển lý luận báo chí và định hướng phát triển báo chí cách mạng Việt Nam trong mọi giai đoạn, đặc biệt là trong kỷ nguyên số hiện nay!" - PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ.

Bên cạnh những giờ học trên giảng đường, các sinh viên của Viện Báo chí cũng có cơ hội đi thực tế, thực tập, tham gia vào các dự án, câu lạc bộ để được trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Trong quá trình thực tế, thực tập, các sinh viên được tham gia vào quy trình sản xuất sản phẩm và ứng dụng truyền thông đại chúng, thâm nhập thực tiễn và thực hành sáng tạo sản phẩm báo chí truyền thông, ứng dụng báo chí truyền thông tại các cơ sở thực tập. Cùng với đó là việc ứng dụng những kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đã được lĩnh hội trong toàn khóa học để thực hành các hoạt động chuyên môn tại các doanh nghiệp truyền thông và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là đối tác của doanh nghiệp truyền thông.

Ngoài ra, theo chia sẻ của PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, sinh viên còn được tham gia vào các câu lạc bộ: Nhà báo điều tra, Báo chí Truyền thông CJC; đặc san Báo chí Trẻ và gần đây nhất là mô hình Đội thanh niên xung kích truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. 

03. Tiếp tục chiến lược phát triển toàn diện, hiện đại hóa cơ sở vật chất

Viện Báo chí luôn là đơn vị đặc biệt chú trọng chất lượng chuyên môn khoa học trong đào tạo, nghiên cứu. Nhiều năm liên tục, Viện Báo chí đạt danh hiệu "Đơn vị lao động xuất sắc" trong Học viện Báo chí & Tuyên truyền và trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia. Nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên đã đoạt các giải thưởng về thành tích nghiên cứu khoa học, giảng dạy; giải thưởng báo chí, truyền thông, văn học nghệ thuật trong và ngoài nước.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua, vẫn còn những điều khiến ban lãnh đạo Viện Báo chí trăn trở. PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng bày tỏ: "Mô hình Viện đào tạo - nghiên cứu báo chí truyền thông đòi hỏi cao về quy mô lớn cả trên lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu. Những yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ, yêu cầu về quy mô tổ chức thực hiện đang là thách thức lớn, trong bối cảnh nhân lực còn mỏng, còn một số hạn chế về điều kiện thực thi và triển khai".

"Để đào tạo và bồi dưỡng một giảng viên trẻ đáp ứng được yêu cầu cả về đào tạo và nghiên cứu cần ít nhất 6 năm (2 năm học Thạc sỹ, 4 năm để bảo vệ xong và có bằng Tiến sĩ). Mỗi giảng viên của Viện Báo chí đều phải tham gia làm báo ở các tòa soạn hoặc ít nhất 1 năm thực tế tại tòa soạn. Làm thế nào để giữ chân một giảng viên trẻ, với đồng lương tập sự ít ỏi, rất nhiều lời mời làm việc lương cao hơn, hấp dẫn hơn là một thách thức với ban lãnh đạo Viện" - PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ.

Bên cạnh đó, thách thức khác với Viện Báo chí là yêu cầu về sự thay đổi liên tục của mô hình đào tạo nghiên cứu báo chí truyền thông hiện đại song song với việc giữ vững mô hình về phẩm chất - năng lực của nhà báo cách mạng. "Thời lượng đào tạo ngày càng rút ngắn, yêu cầu về tri thức, kỹ năng và môi trường trui rèn bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức thì ngày một cao hơn. Đó cũng là thách thức rất lớn với lãnh đạo, cán bộ giảng viên Viện Báo chí" - PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng trăn trở.

Tập thể cán bộ, giảng viên Viện Báo chí 

Có khó khăn, thách thức, song, ban lãnh đạo Viện Báo chí luôn quyết tâm giữ vững thương hiệu và nâng cao uy tín của Viện trong những năm tiếp theo. Theo đó, Viện Báo chí sẽ tiếp tục chiến lược phát triển toàn diện về quản trị, phát triển đội ngũ giảng viên về lượng và chất, tăng cường xuất bản giáo trình, sách chuyên khảo và tham khảo, đổi mới chương trình đào tạo, tăng tính chiến lược cho mảng nghiên cứu. Bên cạnh đó, hiện đại hóa hơn nữa về cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh truyền thông số. 

Theo: vtv.vn