Thứ 5, 26/12/2024, 23:58[GMT+7]

Tiêm vắc-xin là giải pháp hữu hiệu giảm bệnh nặng và tử vong do Covid-19

Thứ 6, 11/11/2022 | 09:23:59
2,240 lượt xem
Đại dịch Covid-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán khi các biến thể mới liên tiếp xuất hiện hoặc tiến hóa tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đẩy mạnh tiêm vắc-xin vẫn là giải pháp chiến lược trong giai đoạn bình thường mới mà các ngành, địa phương trong tỉnh cần triển khai thực hiện.

Tiêm vắc-xin cho người lao động Công ty Tân Đệ.

Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa
Mới đây, báo cáo tại phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Hiện nay, biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron đã xuất hiện tại nhiều quốc gia. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc-xin cũng như né tránh miễn dịch dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch trở lại, trong đó mới nhất là 2 biến thể phụ mới của Omicron là: XBB3, BQ.13. Tại Việt Nam, ngoài các biến thể đã ghi nhận, tháng 8/2022, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã ghi nhận sơ bộ có 24/93 mẫu nhiễm biến thể mới BA.2.75. Tại Thái Bình, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần 45 (từ ngày 31/10 -  6/11/2022) toàn tỉnh đã ghi nhận 32 ca mắc Covid-19 mới, không có ca tử vong.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia cần tiếp tục nỗ lực, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc bảo đảm mục tiêu tiêm vắc-xin để kiểm soát dịch bệnh. Các vắc-xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng với các biến thể của SARS-CoV-2.

Học sinh xã Vũ Ninh (Kiến Xương) tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Tính đến ngày 7/11/2022, Thái Bình đã thực hiện được 55 đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 với hơn 4,27 triệu liều vắc-xin được tiêm cho các trường hợp từ 5 tuổi trở lên. Ở liều cơ bản, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên và trẻ em từ 12 - 17 tuổi ở mức cao. Song, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 ở nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi chưa đạt yêu cầu đề ra (mũi 1 đạt 85,6%, mũi 2 đạt 54,1%); tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi đạt hơn 64,2%. So với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Thái Bình đứng thứ 25 về tiến độ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 18 tuổi trở lên; đứng thứ 41 về tiến độ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và đứng thứ 50 về tiến độ tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - 11 tuổi (theo báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế ngày 5/11). Một số nguyên nhân được ngành y tế chỉ ra đó là: tâm lý chủ quan, không tích cực hưởng ứng của một bộ phận người dân về việc tiêm vắc-xin khi thấy sau một thời gian dịch Covid-19 được kiểm soát, số người mắc mới giảm, trẻ mắc có triệu chứng nhẹ; một số người có tâm lý lo ngại về tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm của vắc-xin; nhu cầu đăng ký vắc-xin của các địa phương không sát với thực tế; sau nhiều ngày vắc-xin tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi mới được phân bổ về tỉnh...

Ngày 8/11, Thái Bình tiếp tục được phân bổ thêm 37.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện các địa phương đã phối hợp với nhà trường rà soát, lập danh sách các trẻ trong độ tuổi tiêm. Sau khi vắc-xin đủ thời gian rã đông sẽ tiến hành phân bổ để triển khai tiêm cho trẻ.

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để đạt tỷ lệ, tiến độ yêu cầu đề ra, các địa phương, đơn vị cần tập trung triển khai công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng. Cụ thể, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, cần rà soát, lập danh sách các trường hợp chưa tiêm, xác định rõ nguyên nhân để tập trung vận động, hướng dẫn, tư vấn tiêm. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố cần giao rõ nhiệm vụ cho các ngành, xã, phường, thị trấn, trường học tích cực thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, chia sẻ, nêu gương cách làm hay, sáng tạo của các địa phương, đơn vị, trường học trong việc tổ chức hiệu quả công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đang tiến hành 7 nghiên cứu đánh giá hiệu quả bảo vệ, đáp ứng miễn dịch của vắc-xin. Dù chưa có kết quả chính thức song có thể sử dụng kết quả nghiên cứu của thế giới. Cụ thể, hiệu quả của vắc-xin sau tiêm mũi 3 ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tử vong đạt khoảng 86% (ở tháng thứ nhất), hiệu quả này giảm dần sau 6 tháng và giảm mạnh từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6. Sau khi tiêm mũi 4 sẽ giúp tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện, tử vong khoảng 9 - 28% so với mũi thứ 3. Tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát dịch bệnh trong tình hình hiện nay.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày