Thứ 6, 22/11/2024, 00:56[GMT+7]

Kỷ niệm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11 Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc - khơi dậy khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Thứ 6, 18/11/2022 | 08:07:19
5,004 lượt xem
Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - ngày truyền thống MTTQ Việt Nam 18/11 hàng năm đã trở thành một sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân tỉnh Thái Bình nói riêng. Đây cũng là dịp các khu dân cư đồng loạt tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện sinh động sự kết nối tình làng nghĩa xóm, gắn bó ý Đảng - lòng dân.

Đồng chí Vũ Thanh Vân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao quà cho các hộ nghèo thôn An Dân (xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy).

Hàng năm, 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Riêng năm 2021 mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng có trên 60% khu dân cư tổ chức ngày hội. Chương trình tổ chức ngày hội tại các khu dân cư được ban công tác mặt trận xây dựng phù hợp với từng địa phương bảo đảm cả phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, tập trung ôn lại truyền thống lịch sử của MTTQ Việt Nam, vị trí, vai trò của MTTQ trong sự nghiệp cách mạng hiện nay; báo cáo kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; trao đổi, thảo luận nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của khu dân cư; lắng nghe ý kiến của nhân dân, đối thoại giữa nhân dân với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên tại cơ sở; biểu dương, khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu; phát động thi đua và tổ chức ký cam kết thực hiện các nhiệm vụ của năm sau. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động như trao nhà đại đoàn kết; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có uy tín, các tấm gương tiêu biểu, người tốt việc tốt trong khu dân cư. Phần hội diễn ra các hoạt động biểu diễn các tiết mục văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao tạo khí thế sôi nổi, vui tươi trong ngày hội. Hầu hết các khu dân cư đều tổ chức “bữa cơm đại đoàn kết”, các hoạt động vui chơi trong ngày hội bảo đảm an toàn, tiết kiệm.

Việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh trong những năm qua ngày càng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh kinh phí tổ chức ngày hội được cấp theo quy định, hầu hết các địa phương đều hỗ trợ thêm kinh phí cho mỗi khu dân cư để phục vụ công tác tuyên truyền, khánh tiết, văn nghệ. Cùng với đó, các khu dân cư đã tích cực huy động nguồn xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các cá nhân tiêu biểu, con em xa quê ủng hộ để tổ chức ngày hội và “bữa cơm đại đoàn kết”. Các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm về dự, tặng quà để động viên, khích lệ nhân dân tại ngày hội. Ban công tác mặt trận chủ động mời những người con xa quê, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, cán bộ, đảng viên sinh hoạt nơi cư trú về dự ngày hội. Các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia ngày hội tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, không khí vui tươi phấn khởi, tinh thần cởi mở, tin tưởng lẫn nhau trong nhân dân và tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn 8, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư.

Thông qua việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt việc tốt, những điển hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 260 nhà văn hóa xã, 1.584 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, thiết chế văn hóa, thể thao, điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi. 100% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố có thiết bị âm thanh, loa máy, sân khấu, điện nước... được xây dựng, mua sắm từ sự đóng góp tự nguyện tiền của, công sức của nhân dân, là nơi tổ chức ngày hội, nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, làm cho bức tranh nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần khơi dậy sức mạnh toàn dân từ khu dân cư, động viên nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, làm tốt công tác tham mưu, phối hợp, chỉ đạo để phát huy vai trò, sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Hàng năm, MTTQ các cấp, nhất là cấp cơ sở cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết; chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngày hội; phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thống nhất về nội dung, hình thức, kinh phí và thời gian tiến hành cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi địa phương.  

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chú trọng tuyên truyền lịch sử, truyền thống của MTTQ Việt Nam; mục đích, nội dung, ý nghĩa của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự gắn kết cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, qua đó phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về ngày hội... tạo không khí phấn khởi trong nhân dân khi tham gia ngày hội.

Ba là, phát huy sự năng động, sáng tạo của ban công tác mặt trận trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội sát với tình hình thực tế của khu dân cư, rút ngắn phần lễ, tăng phần hội bảo đảm vừa trang trọng, trang nghiêm vừa vui tươi, phấn khởi, gần gũi, gắn bó trong nhân dân. Gắn kết chặt chẽ việc tổ chức ngày hội với phát động, sơ kết, tổng kết các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là nâng cao chất lượng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; đồng thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua ở cơ sở.

Bốn là, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chủ động tham gia ngày hội. Phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của nhân dân ở cộng đồng, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất và tự giác tham gia các hoạt động ngày hội của nhân dân trên địa bàn dân cư. Tăng cường vận động, tập hợp các tổ chức, cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư, con em quê hương đang sinh sống, công tác ở địa phương khác hướng về ngày hội, huy động các nguồn lực, thực hiện tốt việc xã hội hóa tạo nguồn lực trong tổ chức ngày hội và các hoạt động ở khu dân cư.

Năm là, tăng cường tập huấn, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức ngày hội để phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo; đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tham mưu, tổ chức, phối hợp thực hiện của đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp, nhất là ban công tác mặt trận ở khu dân cư trong việc triển khai tổ chức ngày hội.

Vũ Thanh Vân
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh



Đồng chí Vũ Viết Mạnh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Hưng

Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú và ý nghĩa. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã chỉ đạo MTTQ các xã, thị trấn chọn một khu dân cư làm điểm trước để rút kinh nghiệm và tinh thần tổ chức ngày hội là vui tươi, đoàn kết, đồng thời đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tại ngày hội, các khu dân cư đều có những món quà động viên các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cũng phát động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, qua đó có kinh phí trao tặng quà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn dịp lễ, tết và hỗ trợ sinh kế cho những hộ nghèo để họ có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống. Trong năm qua, huyện đã trích quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ xóa nhà ở dột nát cho 10 hộ. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ xóa nhà ở dột nát cho 4 hộ trên địa bàn huyện. Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/nhà, so với các năm trước tăng 20 triệu đồng/nhà.


Đồng chí Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Bình (Kiến Xương)

Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện về tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022, Ủy ban MTTQ xã đã chỉ đạo tất cả các thôn tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc bảo đảm thiết thực, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài phần lễ và phần hội, chúng tôi cũng khuyến khích các thôn tổ chức “bữa cơm đại đoàn kết” để góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm. Năm nay, xã có 3/6 thôn tổ chức “bữa cơm đại đoàn kết”. Năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình đạt gia đình văn hóa của xã đạt 95,6%. Tại ngày hội các thôn đều khen thưởng, tặng quà cho các gia đình văn hóa tiêu biểu và các chi hội, đoàn thể tiêu biểu trong năm; đồng thời tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo và những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tổng số hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà dịp vừa qua là 61 hộ.

Ông Vũ Xuân Lựu, thôn An Dân, xã Thụy Dân (Thái Thụy)

Về dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc của thôn năm nay tôi cũng như hầu hết người dân trong thôn đều vô cùng phấn khởi, hồ hởi bởi sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 chúng tôi mới có dịp được cùng nhau ngồi lại đông vui như vậy, cùng xem các tiết mục văn nghệ và cùng chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Đối với nhân dân trong thôn, ngày hội đại đoàn kết toàn dân năm nay lại càng đặc biệt hơn khi được tổ chức tại khuôn viên nhà văn hóa mới được xây dựng khang trang. Bên cạnh nguồn tài trợ huy động được, nhân dân trong thôn đã tích cực đóng góp, ủng hộ trên 300 triệu đồng đầu tư xây dựng các hạng mục để nhà văn hóa thôn đạt nhà văn hóa thôn kiểu mẫu.

Bà Phạm Thị Loan, tổ dân phố Nhân Cầu 3, thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà)

Hai vợ chồng tôi đều là thương binh, trong đó tôi tỷ lệ thương tật là 43%, còn chồng tôi tỷ lệ thương tật là 35%. Tới dự ngày hội đoàn kết toàn dân do tổ dân phố tổ chức tôi rất phấn khởi khi được cấp ủy, chính quyền các cấp, ban công tác mặt trận khu dân cư quan tâm tặng quà động viên. Đây là sự động viên tinh thần quý báu đối với gia đình. Tôi rất cảm ơn.

Bà Phạm Thị Phượng, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 8, xã Vũ Đoài (Vũ Thư)

Thời gian qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được cán bộ và nhân dân trong thôn triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực. Các hộ gia đình trong thôn phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, cây cảnh; phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại và các ngành nghề dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập trung bình của người dân đạt trên 47 triệu đồng/người/năm. Nhân dân trong thôn đoàn kết trong xây dựng đời sống văn hóa mới; phát huy các giá trị truyền thống; tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường. Toàn thôn có 97,3% hộ đạt gia đình văn hóa; thôn được công nhận là thôn văn hóa tiêu biểu. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhân dân trong thôn đã hiến trên 17.000mđất nông nghiệp, 340m2 đất ao vườn, tự nguyện phá dỡ nhiều công trình, đóng góp hàng nghìn ngày công cùng 740 triệu đồng để làm đường. Ngoài ra, thôn còn làm tốt công tác xã hội hóa để xây dựng nhà văn hóa thôn và cổng làng trị giá hàng trăm triệu đồng. Diện mạo của thôn ngày càng khang trang.


Đào Quyên - Tiến Đạt