Thứ 7, 20/04/2024, 20:47[GMT+7]

Giới trẻ nghiện mạng xã hội

Chủ nhật, 04/12/2022 | 22:10:05
31,808 lượt xem
Những năm gần đây, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube... được nhiều bạn trẻ coi như “cơm ăn, nước uống” hàng ngày. Bên cạnh những lợi ích tích cực, việc lạm dụng mạng xã hội đang khiến nhiều bạn trẻ bị nghiện thế giới ảo, kéo theo những hệ lụy khôn lường.

Nghiện thế giới ảo

Chỉ chưa đầy 3 tháng nghỉ hè, em Trần Thùy Linh ở xã Hợp Tiến (Đông Hưng) đang là học sinh lớp 7 gặp vấn đề về mắt do dành quá nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội trên thiết bị di động. Linh chia sẻ: Em rất thích xem các nội dung trên Facebook và TikTok vì nó rất đa dạng và hấp dẫn. Nhiều chương trình giải trí hay tin tức hot trong ngày cũng đều được cập nhật trên mạng xã hội, chỉ cần lướt điện thoại là có thể nắm bắt được. Thời gian đầu em sử dụng điện thoại 3 - 5 tiếng/ngày, mắt em thường bị khô và mỏi. Sau đó mắt dần bị mờ và không thể nhìn xa được như trước.

Chứng kiến thị lực của con gái giảm sút, chị Hoàng Thị Dinh, mẹ của Linh vô cùng lo lắng. Chị Dinh cho biết: Cả bố và mẹ đều đi làm cả ngày, không có nhiều thời gian để quản lý thời gian sử dụng mạng xã hội của con. Đến khi con phải đeo kính để cải thiện thị lực chúng tôi mới nhận thức rõ về tác hại của việc này. 

Theo điều tra sơ bộ của UNICEF, cứ 3 người dùng internet thì có 1 người dưới 18 tuổi và 71% người từ 15 - 24 tuổi đang trực tuyến, điều đó cho thấy nhóm tuổi này được kết nối nhiều nhất trên toàn thế giới. Kết quả khảo sát của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2022 có 89% trẻ em truy cập và sử dụng internet, trong số này 87% sử dụng internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội. Những thống kê trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn nghiện mạng xã hội của giới trẻ. 

Không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ cầm điện thoại lướt mạng xã hội mọi lúc, mọi nơi. Theo các chuyên gia, việc các bạn trẻ luôn giữ điện thoại trong tầm mắt bởi sự ảnh hưởng của hội chứng tâm lý fomo (nỗi sợ hãi). Họ luôn lo sợ bản thân bỏ lỡ những điều thú vị, hấp dẫn trong cuộc sống mà người khác được trải nghiệm. Những người mắc hội chứng này thường sẽ “ăn dầm nằm dề” trên tất cả các trang mạng xã hội, lo lắng bồn chồn không ngừng khi rời xa điện thoại dù chỉ trong thời gian ngắn. Vì vậy, quỹ thời gian dành cho thế giới ảo cũng dần tăng theo cấp số nhân. 

Ông Nguyễn Hoàng Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đông Hưng cho biết: Tỷ lệ học sinh có smartphone và sử dụng mạng xã hội tại trường học rất cao. Việc các em tiếp cận với mạng xã hội thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học mà còn ẩn chứa những mối nguy hại về tâm sinh lý không thể lường trước. 

Lệch chuẩn văn hóa mạng xã hội  

Tại các trường học, mạng xã hội đang trở thành “không gian bắt nạt” mới. Chỉ cần không đủ tỉnh táo, bạn rất dễ trở thành nạn nhân chỉ bằng một nút bấm. Bằng cách ẩn mình phía sau tài khoản mạng xã hội không rõ danh tính, những kẻ bắt nạt có thể khiến đối phương bị tổn thương bằng ngôn từ miệt thị, khó nghe. Điều này có thể gây rối loạn tâm thần, ảnh hưởng sức khỏe, việc học tập của những người trẻ. Theo ước tính, hơn 13% trẻ vị thành niên từ 10 - 19 tuổi phải chung sống với rối loạn tâm thần được chẩn đoán theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó, 86 triệu em thuộc nhóm 15 - 19 tuổi và 80 triệu em thuộc nhóm 10 - 14 tuổi.

Sự phát triển của mạng xã hội còn kéo theo hàng loạt “nghề” hot được ra đời trên nền tảng này như KOLs, gamer, streamer - những người có tầm ảnh hưởng, được nhiều bạn trẻ yêu thích. Và những câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra như các “giang hồ mạng” được giới trẻ tung hô và gọi là thầy, lấy tiền của bố mẹ để ủng hộ cho thần tượng qua mạng, bất chấp bảo vệ cái sai của “idol” tạo nên những cuộc khẩu chiến trên không gian mạng. Việc các thần tượng giới trẻ mọc lên như nấm không thể kiểm soát khiến không gian mạng trở nên vô cùng hỗn độn.  

Khái niệm “Food reviewer” (những người chia sẻ những trải nghiệm ẩm thực, đánh giá về món ăn, thức uống, quán xá trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau) cũng không còn xa lạ với các bạn trẻ khi nó đã và đang trở thành một cái “cần câu cơm” của rất nhiều người. Thế nhưng, cũng có rất nhiều nội dung review mang tính thương mại, chất lượng “thượng vàng hạ cám”. Nhiều reviewer được cho là không có tâm, thiếu kiến thức, sẵn sàng chê bai để thu hút lượt xem; cũng có những reviewer chỉ khen do đã nhận tiền của quán. Sự biến tướng của nghề này đang khiến nhiều chủ cửa hàng, quán ăn phải gồng mình gánh chịu những áp lực. Thậm chí, một số quán rơi vào cảnh lao đao, ế ẩm vì bị đánh giá thấp theo quan điểm cá nhân của “Food reviewer” nào đó. Từ khi nào mà chỉ vì một vài câu nói trên mạng xã hội lại trở thành thước đo cho một quán ăn ngon? 

Còn rất nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến giới trẻ và mạng xã hội. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cách suy nghĩ ích kỷ, lối sống thờ ơ và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận giới trẻ. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục để hình thành nhân cách, định hướng hệ giá trị sống cho những người trẻ chưa thực sự chặt chẽ. Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần ý thức được trách nhiệm của mình, tự điều chỉnh hành vi thì mới có thể tạo ra không gian mạng văn minh. Từ đó, những nội dung vô bổ, nhảm nhí cũng như những hành xử lệch chuẩn đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục mới có thể dần được loại bỏ. 

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày