Thứ 7, 23/11/2024, 19:34[GMT+7]

Nặng tình với đồng đội

Thứ 4, 21/12/2022 | 16:36:48
3,928 lượt xem
Xuất phát từ sự thấu hiểu, đồng cảm đối với thân nhân liệt sĩ và hơn hết là sự tri ân những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc, ông Nguyễn Đình Đoan (thôn Tiền Phong, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư) đã lặng thầm với công việc kết nối thông tin tìm mộ liệt sĩ, góp phần đưa đồng đội về với gia đình, quê hương.

Ông Nguyễn Đình Đoan với các tư liệu đi tìm đồng đội đã hy sinh.

Chúng tôi về gặp ông Nguyễn Đình Đoan. Lần giở ký ức, người lính già đã ở tuổi gần 90 nhớ lại: Tôi nhập ngũ năm 1953. Sau khi huấn luyện xong ở Thanh Hóa, tôi hành quân lên Điện Biên. Sau gần 10 năm làm nhiệm vụ dọc tuyến biên giới, tôi được điều về Trung đoàn 83 làm nhiệm vụ tiễu phỉ trừ gian ở khu vực biên giới Nghệ An. Sau ngày đất nước thống nhất, trở về quê hương nhưng tôi chưa bao giờ quên đồng đội nằm lại nơi chiến trường. Chính vì thế, 30 năm sau ngày giải phóng, tôi quyết định đi tìm mộ của những người đồng đội năm xưa.

Năm 2006, ở tuổi 70, ông bắt đầu đi tìm mộ đồng đội cùng quê Thái Bình là liệt sĩ Vũ Đình Niết, xã Tây Sơn (Kiến Xương), công tác tại Đồn 79 miền Tây Nghệ An. Theo lời kể của ông Đoan, năm 1964, trong một lần được phái đi tiễu phỉ trừ gian ở bản Can, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), liệt sĩ Niết cùng đồng đội bị địch phục kích, tất cả hy sinh tại đó. Hơn 40 năm sau ngày liệt sĩ Niết hy sinh, khi biết tin gia đình vẫn chưa tìm được mộ của liệt sĩ, ông Đoan đã tự tìm đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An nhờ giúp đỡ tìm kiếm thông tin về liệt sĩ Niết. Sau khi có thông tin, ông trở lại quê liệt sĩ để chắp nối, đối chiếu và cùng gia đình liệt sĩ quay lại chiến trường xưa tìm mộ. Nhưng quá trình tìm kiếm không hề dễ dàng bởi vùng đất xưa đã thay đổi nhiều, những vết tích làm căn cứ tìm kiếm hầu như không còn. Không nản lòng, ông Đoan lại tiếp tục dò hỏi thông tin và may mắn tìm được một đồng đội quê ở tỉnh Bắc Ninh biết về liệt sĩ Niết. Qua trao đổi, được biết toàn bộ hài cốt các chiến sĩ hy sinh thời điểm đó đã được tập kết về một nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Kỳ Sơn. Từ thông tin đó, ông Đoan đã đến nghĩa trang và tìm thấy mộ liệt sĩ Niết, cùng gia đình đưa liệt sĩ trở về quê hương.

Trở về sau cuộc tìm kiếm thành công đó, ông Đoan suy nghĩ và quyết định sẽ tiếp tục lên đường tìm kiếm đồng đội. Được sự động viên, hỗ trợ của gia đình, ông đã tìm đến nhà các liệt sĩ cùng quê Thái Bình, đồng đội cùng đơn vị quê ở Nghệ An để phối hợp đối chiếu thông tin, tiến hành tìm kiếm phần mộ. Năm 2011, ông đi tìm đồng đội của mình là liệt sĩ Lê Hữu Trương, quê ở xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, hy sinh năm 1966 khi đang cùng đồng đội đào hào tại xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông nhớ lại: Khi tôi cùng đồng đội đang đào hào thì lãnh đạo bảo tôi về lấy nước uống cho mọi người. Tôi vừa đi được khoảng 50m thì bom của địch dội xuống khu vực đồng đội. Tôi và một số đồng đội bị sức ép của bom hất văng xuống ruộng rau muống, bị thương rồi sau đó được cứu sống. Riêng anh Trương thì không tìm thấy và được xác định đã hy sinh cùng 5 đồng đội khác. Khi biết tin gia đình liệt sĩ Trương chưa tìm được phần mộ, tôi đã đến nhà anh ấy tìm hiểu để giúp gia đình tìm kiếm. Tôi đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan để tìm kiếm thông tin về trận đánh năm đó và liệt sĩ Trương. Đến khu vực bom thả năm xưa giờ đã thay đổi nhiều, việc tìm vị trí liệt sĩ Trương hy sinh gặp rất nhiều khó khăn song tôi vẫn luôn tin và hy vọng. Sau nhiều vất vả, cuối cùng tôi cùng gia đình liệt sĩ đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ Trương nằm sâu dưới ruộng rau muống ngày xưa. Hài cốt liệt sĩ Trương với chiếc răng vàng ở hàm bên trái thời mà chúng tôi đã từng sống và chiến đấu là đặc điểm quan trọng để làm cơ sở khẳng định chúng tôi đã tìm đúng phần mộ liệt sĩ. Khi đó tôi đã khóc vì xúc động. Vậy là sau hơn 50 năm hy sinh, đồng đội của tôi đã được đón về trong vòng tay người thân, gia đình, về với quê hương mình.

Đến nay, ngoài phần mộ liệt sĩ Niết, liệt sĩ Trương, ông Nguyễn Đình Đoan đã giúp thân nhân liệt sĩ tìm kiếm được thêm 2 phần mộ liệt sĩ khác là liệt sĩ Nguyễn Thế Miêu ở huyện Hưng Hà, hy sinh tại tỉnh Nghệ An và liệt sĩ Nguyễn Trung Hưng ở huyện Vũ Thư, hy sinh tại tỉnh Quảng Nam. 

Chị Nguyễn Thị Nhật, xã Chí Hòa (Hưng Hà) là em gái liệt sĩ Nguyễn Thế Miêu chia sẻ: Gia đình tôi đã mấy lần tổ chức đi tìm phần mộ anh trai nhưng chưa có kết quả. Nhờ sự giúp đỡ của ông Đoan, năm 2016 gia đình tôi đã tìm thấy phần mộ của người thân và đưa về nghĩa trang quê nhà. Chúng tôi rất xúc động và cảm ơn ông Đoan đã không quản ngại khó khăn, vất vả giúp gia đình được toại nguyện.

Ông Nguyễn Như Phức, hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Vũ Thư phụ trách công tác hỗ trợ gia đình liệt sĩ xã Bách Thuận cho biết: Những năm qua, ông Nguyễn Đình Đoan dù tuổi cao nhưng có rất nhiều hoạt động giúp đỡ địa phương trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Chúng tôi, những người làm công tác hỗ trợ gia đình liệt sĩ của xã luôn biết ơn những đóng góp của ông, nhờ ông mà nhiều thân nhân liệt sĩ đã tìm được phần mộ người thân của mình để đưa về với đồng đội, với quê hương.

Những việc làm của ông Nguyễn Đình Đoan xuất phát từ cái tâm của người lính, những người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Hiện nay, dù tuổi đã cao không thể trực tiếp đi tìm kiếm hài cốt của đồng đội nhưng trong sâu thẳm ông luôn mong muốn các tổ chức, cá nhân triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động để sớm đưa các liệt sĩ trở về quê hương. 

Ông Đoan chia sẻ thêm: Tôi tiếc đã không thể dành sớm hơn thời gian, công sức và một phần tiền bạc của mình để có thể giúp được nhiều hơn các gia đình liệt sĩ tìm lại được phần mộ người thân của mình. Với tôi, phần thưởng quý nhất mà tôi nhận được đó chính là những giọt nước mắt hạnh phúc của những người mẹ, người vợ, người con trong mỗi lần tôi góp sức cùng các gia đình đưa các liệt sĩ trở về quê nhà.

Gia đình liệt sĩ Nguyễn Thế Miêu, xã Chí Hòa (Hưng Hà) được ông Nguyễn Đình Đoan giúp tìm phần mộ đưa về quê nhà.

Mai Thư - Nguyễn Cường